Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo về ít nhất 228 trường hợp trên toàn cầu có thể đã mắc bệnh viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em; khiến ít nhất 4 trẻ tử vong, trong đó có 3 ca tại Indonesia.
Viêm gan "bí ẩn" có liên quan đến Covid-19?
"Không phải các trẻ bị viêm gan do Adenovirus virus đều phải ghép gan, đa phần trẻ đều tự hồi phục. Thực tế, cũng có nhiều trẻ bị viêm gan virus A, C… bị suy gan cũng phải ghép gan", BS. Khanh cho biết.
BS. Khanh thông tin, Adeno virus là một trong 3 virus thường nhắc đến khi nói về bệnh lây qua hô hấp như Cúm, RSV virus hợp bào và adeno... Adeno có thể gây viêm gan nhưng chỉ ở trẻ sơ sinh và người suy giảm miễn dịch. Hiện nay có lý thuyết cho rằng: do cách ly trẻ ít tiếp xúc với bên ngoài nên miễn dịch rất kém với adeno nên khi gặp virus này có thể gây viêm gan.
Còn theo PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hiện căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" là Adenovirus-41 họ virus phổ biến thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính. Phần lớn trẻ mắc bệnh viêm gan "bí ẩn" đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
“Việc Adenovirus gây viêm gan không mới, trước đây đã từng có trường hợp nhiễm virus này ở trẻ suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ mắc cao hơn, gặp cả ở những trẻ khỏe mạnh. Giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus có đột biến”, PGS. Dũng cho hay.
Trước thông tin nghi ngờ vaccine Covid-19 dùng adenovirus để điều chế gây bệnh viêm gan nói trên. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trên thực tế, adenovirus của vaccine Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản.
Còn chủng Adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người. Hai chủng virus này không liên quan nhau, và do đó vaccine không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Đó là chưa kể vaccine dùng adenovirus không được sử dụng tiêm cho trẻ...
Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh viêm gan trên từng mắc Covid-19 nhưng hiện tại theo thời gian không còn nhiều. Do đó, không thể nói Covid-19 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan "bí ẩn".
Viêm gan “bí ẩn” ở trẻ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam?
Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cơ quan này đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ các tổ chức quốc tế WHO và CDC của Mỹ.
Hiện Cục Y tế Dự phòng đang theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Văn Dũng, hiện có ba trẻ ở Đông Nam Á đã tử vong do viêm gan “bí ẩn” này, nên nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, việc chủ động theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh ở trẻ là vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần lưu tâm các dấu hiệu sau: Đầu tiên, trẻ nhiễm Adenovirus sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu, có đốm xuất huyết nhỏ…. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt.
Do Adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.
Trong gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, không ăn uống chung.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các phụ huynh nên cho con mình đi tiêm vaccine Covid-19. Trẻ tiêm chủng tốt có ưu điểm sẽ giảm sự đột biến của virus trong tương lai.