“Điều đó cho thấy tính chưa ổn định của dịch Covid-19. Đặc biệt, việc một số nước hiện nay ghi nhận sự xâm nhập của biến thể BA.4, BA.5 làm gia tăng số ca nhiễm mới. Quan ngại nhất của sự bùng phát dịch là sự quá tải chăm sóc y tế”, ông Lân nói.
Ông Lân cho biết, về tính lây lan, hiện các nước đang tiếp tục đánh giá. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy chủng BA.4, BA.5 có sự lây lan nhanh hơn so với chủng BA.1, BA.2.
Số ca nhiễm tại Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng qua với hơn 130 nghìn ca mắc, 63 ca tử vong. Tỷ lệ chết trên số ca mắc thấp, khoảng 0,05%.
Trong đó, khu vực phía bắc ghi nhận hơn 106 nghìn ca mắc, cao gấp 10 lần miền nam và đứng thứ 3 là miền trung 8.890 ca mắc.
Theo ông Lân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch, dịch có thể diễn biến phức tạp gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải cuối cùng.
Tại Việt Nam hiện ghi nhận chủ yếu lưu hành chủng BA.2 - chủng có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, qua tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nơi có nguy cơ cao để lấy mẫu giải trình tự gene phát hiện Việt Nam có xâm nhập chủng biến thể Omicron với nhánh phụ là BA.5.
“Khi có sự xâm nhập của chủng mới, nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ BA.1, BA.2”, ông Lân nhấn mạnh.
Vì thế, ông Lân cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.