Việt Nam nằm ở top cao trong khu vực về tỷ lệ dân mắc viêm gan B
PGS, TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân viêm gan.
Ngày 25-7, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chủ đề "Cập nhật điều trị viêm gan virus B và C" cho các cán bộ y tế của một số bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội. Nhiều thông tin mới nhất về phương pháp điều trị viêm gan B, C đã được PGS, TS Đỗ Duy Cường cập nhật tại buổi sinh hoạt khoa học.
Nguy cơ tiềm ẩn từ việc mắc viêm gan B, C
Đường lây truyền chính của virus viêm gan B, C là lây bằng đường máu qua quan hệ tình dục không an toàn, mẹ truyền sang con hoặc truyền máu. Tuy nhiên, có rất nhiều người không biết mình mắc viêm gan B, C và thậm chí, họ cũng không biết mình mắc viêm gan B, C do lây truyền từ đâu.
Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân Hồ Sỹ H (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chạy thận hai năm qua. Cách đây một tháng, bệnh nhân bị đau hạ sườn phải, men gan tăng cao được nhập viện tuyến dưới điều trị một tuần. Tuy nhiên, tình trạng men gan không hạ, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai với kết luận là mắc viêm gan C. Trước đó, bệnh nhân cho biết mình không hề mắc bệnh viêm gan B, C.
Bệnh nhân Hồ Sỹ H (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nhập viện một tuần qua điều trị viêm gan C.
Nằm đối diện giường của anh Hồ Sỹ H là một bệnh nhân nam nhập viện với tình trạng men gan rất cao, da và mắt vàng. Bệnh nhân cho biết trước đó cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Hai năm trước bệnh nhân có đi xăm tay và chân, rất có thể nguy cơ nhiễm viêm gan B từ việc xăm trổ này.
PGS, TS Đỗ Duy Cường cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc viêm gan B và 1%-2% viêm gan C. Như vậy, có khoảng 16 triệu người Việt Nam mắc các bệnh virus viêm gan, và có khoảng hơn 10% số bệnh nhân này có nguy cơ mắc ung thư gan. Theo BS Cường, bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” với các triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mãn tính, xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan…
Viêm gan B, C có chữa khỏi được không?
Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm gan B cao hơn so với viêm gan C nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm viêm gan B mà bỏ qua xét nghiệm viêm gan C. Đây chính là lý do còn rất nhiều người trong cộng đồng chưa được tầm soát bệnh viêm gan đầy đủ.
BS Cường cho hay, bệnh viêm gan B đã có thành tựu tiêm chủng bằng vaccine, loại bỏ được rất nhiều nguy cơ trẻ sinh ra đời mắc viêm gan B. Năm 2014, Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đã mắc viêm gan B là phải điều trị suốt đời, dùng thuốc ức chế sự hoạt động của virus.
Hiện nay các cơ sở y tế tại quận, huyện đều đã được cung cấp thuốc viêm gan B điều trị với sự chi trả của bảo hiểm y tế. Người bệnh nếu mắc viêm gan B có thể điều trị tại địa phương và nhận thuốc tại đây, với chi phí điều trị được chi trả từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng một tháng. Tỷ lệ kháng thuốc viêm gan B những năm gần đây rất thấp, thất bại trong điều trị chỉ còn tỷ lệ nhỏ.
Trong khi đó, viêm gan C tiến triển rất âm thầm, thậm chí kéo dài vài chục năm mà không có triệu chứng gì. Khác với viêm gan B, viêm gan C hiện chưa có vaccine phòng ngừa, nhưng là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ hơn 95% sau ba tháng điều trị.
“Nếu sau ba năm, kết quả xét nghiệm virus viêm gan C ở ngưỡng không phát hiện (âm tính), nghĩa là bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn viêm gan C”, BS Cường cho hay.
Năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị viêm gan C và đến nay, chi phí điều trị của viêm gan C đã giảm đáng kể, giảm hàng chục lần so với cách đây khoảng 5 năm (vài trăm triệu đồng/liệu trình điều trị) xuống chỉ còn khoảng từ 7-15 triệu tiền thuốc/tháng. Đặc biệt, những thuốc điều trị mới hiện nay đã giảm đáng kể tác dụng phụ mang so với những thuốc trước đây, có tác dụng tiêu diệt virus viêm gan C ở cả sáu type.
Tại một số cơ sở y tế tuyến Trung ương, hiện nay, thuốc chữa viêm gan C đã được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả 50%, tạo cơ hội tiếp cận thuốc mới nhất, phương pháp điều trị mới không tốn kém, hiệu quả cao. Tuy nhiên, số bệnh nhân phải tự túc điều trị vẫn còn rất cao và họ đang phải chịu chi phí điều trị trung bình từ 15-45 triệu đồng/liệu trình. “Tôi hy vọng, tới đây bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ chi trả 50% thuốc điều trị viêm gan C cho tất cả các cơ sở y tế”, BS Cường nói.
Bệnh nhân mắc viêm gan B, C cần xét nghiệm máu định kỳ một năm từ 1-2 lần để đo tải lượng virus, đánh giá chức năng gan xem có ứ mật, xơ hoá. Nếu xơ hoá giai đoạn sớm thì uống thuốc theo dõi, nếu xơ nặng (còn bù, mất bù), cổ trướng, chán ăn, rối loạn tiêu hoá nặng, giãn tĩnh mạch thực quản, suy gan, suy giảm miễn dịch trên bệnh nhân suy gan dẫn đến nhiễm trùng máu... thì cũng được can thiêp sớm.
Đặc biệt, PGS, TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân không nên uống thuốc bổ trợ, thuốc nam, uống thuốc truyền miệng... được quảng cáo tràn lan hiện nay để điều trị bệnh do virus viêm gan. Người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng virus và các thuốc BHYT đã thanh toán để điều trị cho mình các bệnh viêm gan B, C để tránh những nguy cơ có thể tiến triển thành ung thư gan.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID