Y bác sĩ Quảng Nam khiêng bệnh nhân chục cây số
Bác sĩ Trần Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, cho biết Trung tâm đang điều trị nhiều nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng. "Hiện trường các vụ lở đất tang thương lắm, trên mặt đất không còn lại gì ngoài bùn đất", bác sĩ Thu kể, hôm 2/11.
Tối 28/10, đội nhân viên y tế cứu hộ cùng với bộ đội, người dân phải khiêng các nạn nhân bằng võng hàng chục cây số, băng qua hàng chục điểm sạt lở, cây đổ rạp chắn ngang đường. Người đi trước cầm rựa phát cành, mở một lối cho đoàn người phía sau. Tới cơ sở y tế cấp cứu, sau đó họ phân loại, người bị thương nhẹ điều trị tại chỗ, chuyển những người bị nặng tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Bác sĩ Thu cho hay Trung tâm chỉ có một chiếc xe cấp cứu đang phải hoạt động quá công suất và cần thêm một chiếc xe cứu thương nữa. Máy phát điện 100KVA của Trung tâm đã bị hư hỏng do mưa lũ, cũng đang rất cần chiếc máy phát điện khác thay thế.
Trong cuộc cứu hộ nạn nhân tại hiện trường sạt lở ở Nam Trà My, Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My cũng đóng góp vai trò lớn. Bác sĩ Nguyễn Lương Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết có điểm sạt lở trên địa bàn huyện Nam Trà My, tuy nhiên do đường bị chia cắt nên nhân viên cứu hộ phía nam không thể tiếp cận được hiện trường. Các chiến sĩ, bộ đội địa phương, dân quân... mở lối vào từ phía bắc, chặt cây mở đường, san gạt các điểm sạt lở. Y bác sĩ Trung tâm Y tế Bắc Trà My chuẩn bị xe, cáng cứu thương, dọn giường bệnh, chi viện cứu hộ hiện trường. 9 nạn nhân đã được cứu, hiện điều trị tại Trung tâm Y tế Bắc Trà My.
"Các bệnh nhân đã được xử lý vết thương, điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất, đồng thời cũng được trợ giúp về tâm lý bởi một số bệnh nhân sốc do có người thân tử vong hoặc vẫn đang bị mất tích", bác sĩ Trung cho biết.
Kiểm tra công tác y tế trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Nam ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ những tổn thương của người dân, yêu cầu ngành y tế khẩn trương vệ sinh tốt môi trường không được để dịch bệnh xảy ra. Ông đề nghị tăng cường dinh dưỡng cho người dân khu vực, trợ giúp tâm lý cho những người có người thân mất do lở đất và lũ lụt.
"Bảo đảm an toàn cho cơ sở y tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, để ứng phó với thiên tai và chăm sóc sức khỏe người dân sau thiên tai", Thứ trưởng Sơn nói.
Các bệnh viện tuyến trung ương tại miền Trung như C Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẵn sàng đưa xe cấp cứu, trang thiết bị, nhân viên y tế trợ giúp Trung tâm Y tế hai huyện Bắc và Nam Trà My.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết sẵn sàng chuyển đến Trung tâm Y tế Bắc và Nam Trà My máy siêu âm, máy phát điện 25 KVA và một số trang thiết bị khác. Thứ trưởng Sơn đã tặng ngành y tế Quảng Nam 25 bộ dụng cụ phòng chống bão lụt, 500 nghìn viên xử lý nước Aquatabs.
Mưa bão tuần qua khiến nhiều huyện miền núi ở Quảng Nam sạt lở nặng, nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở vùi lấp hàng chục người dân thôn một, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.
Lê Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?