Cảnh giác những dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung thường có những dấu hiệu ban đầu mờ nhạt, rất dễ nhầm với các bệnh phụ khoa khác gây khó khăn cho việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Ngã quỵ khi phát hiện ung thư cổ tử cung trước ngày cưới
Chị N.T.H. (24 tuổi, Hà Nội) bủn rủn chân tay khi nhận kết luận ung thư cổ tử cung khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo lời chị H., trước đó cơ thể chị không có gì bất thường, chỉ vài lần đi khám phụ khoa ở một phòng khám tư và được bác sĩ điều trị kết luận viêm lộ tuyến cổ tử cung, rồi cho đặt thuốc âm đạo.
Khi thăm khám tại Bệnh viện (BV) Medlatec, quan sát cổ tử cung bằng mắt thường, bác sĩ thấy lộ tuyến khá rộng, không có gì bất thường. Tuy nhiên, khi biết bệnh nhân đã quan hệ tình dục cách đây 4 năm, BS. Nguyễn Thị Hiền, chuyên khoa Sản, BV Medlatec tư vấn thực hiện sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung bằng việc xét nghiệm tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV.
Kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung nhiễm HPV type 16, chủng có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung rất cao, chị H. tiếp tục được chỉ định soi cổ tử cung. Hình ảnh soi cổ tử cung cho thấy có lớp sừng hóa ẩn dày, bác sĩ đã bấm sinh thiết cổ tử cung. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tế bào vảy tại chỗ.
Khác với chị H., chị T.T.A. (37 tuổi, Hưng Yên) đã sinh thường 2 con, vốn khỏe mạnh, kinh nguyệt đều, tuy nhiên chị có ra máu âm đạo bất thường 7 ngày nay nên đi khám ở một phòng khám tư và điều trị viêm cổ tử cung nhưng không đỡ.
Do thấy đau tức hạ vị, ra máu âm đạo nhiều hơn nên chị A. đến bệnh viện thăm khám sản phụ khoa. Tại đây, bác sĩ phát hiện cổ tử cung phì đại, lộ tuyến diện rộng, trên nền lộ tuyến có nhiều đám mủn nát, tăng sinh mạch, dễ chảy máu nên đã chỉ định làm sinh thiết.
Kết quả sinh thiết cho thấy, chị A. ung thư biểu mô vảy xâm nhập, độ mô học II, HPV dương tính với type 16. Chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung.
BS. Hiền cho hay, theo báo cáo của HPV Information Center mới nhất, ung thư cổ tử cung là dạng bệnh phổ biến thứ 3 ở phụ nữ. Mỗi năm có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do căn bệnh này, tức mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong do ung thư cổ tử cung. Đáng tiếc, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
90% bệnh nhân có cơ hội sống nếu…
Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân N.T.H., BS. Hiền nhận định, do bệnh nhân trẻ, lại chưa sinh con nên được hướng dẫn chuyển tuyến nhập viện Phụ sản Trung ương và được chỉ định khoét chóp cổ tử cung với hy vọng giữ được cổ tử cung để có thể sinh con sau điều trị.
“May mắn là bệnh nhân thăm khám và điều trị kịp thời, nếu phát hiện muộn có thể phải cắt cổ tử cung, thậm chí là cắt tử cung, không còn cơ hội có thể mang thai được”, BS. Hiền cho hay.
Theo BS. Hiền, thực tế có nhiều chị em đến khám khi đã có biểu hiện bất thường, bỏ lỡ “giai đoạn vàng” điều trị bệnh. Ung thư cổ tử cung diễn ra âm thầm, hầu như không có biểu hiện và triệu chứng rõ ràng khi ở giai đoạn sớm.
Đến khi bệnh sang giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân thấy mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng ít người nghĩ đến ung thư cổ tử cung và không đi khám sớm. Rất nhiều trường hợp nhập viện trong giai đoạn muộn, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước bỏ quyền làm mẹ, thậm chí tử vong cao vì bệnh đã ở giai đoạn cuối, điều trị không hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung là dạng ung thư phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhưng hoàn toàn có thể dự phòng, phát hiện sớm qua tầm soát, kiểm tra hàng năm. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì cơ hội sống sau 5 năm lên tới 90%, tuy nhiên nếu phát hiện ở giai đoạn 4, cơ hội sống sau 5 năm chỉ còn khoảng 10%.
“Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy, việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung phải luôn được đặt lên hàng đầu, qua việc chị em nên quan tâm đến những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa, sàng lọc tế bào cổ tử cung và làm xét nghiệm HPV định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, khi gặp một trong số những dấu hiệu sau cần đến BV chuyên khoa thăm khám: Ra máu âm đạo bất thường hay sau quan hệ tình dục; Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu; Kinh nguyệt kéo dài, không đều. Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân…”, BS. Hiền khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, tuy nhiên, virus HPV được xác định là thủ phạm chính (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Vũ Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk