Cuộc chiến với ung thư buồng trứng của cô bé 12 tuổi
Mùa hè năm 2021, chị Phương nhận thấy Hà - con gái lớn đang học lớp 5 - có dấu hiệu tăng cân, bụng tròn ra. Thoạt đầu chị nghĩ con ăn uống tốt hơn vì đang ở tuổi tiền dậy thì, song bụng con nổi gồng ngày một to, sờ cứng, không đàn hồi. Bác sĩ bệnh viện tỉnh Bến Tre chẩn đoán bé có khối u nang buồng trứng rất lớn, chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) điều trị.
Chuyến đi Sài Gòn đầu tiên của hai mẹ con đến bất ngờ và kéo dài "tưởng chừng bất tận", người mẹ 35 tuổi nhớ lại. Sau rất nhiều xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu... bác sĩ kết luận bé bị giai đoạn 3, khối u ác tính khổng lồ, to 25 cm, choán hết ổ bụng.
"Tôi rất sốc, tự hỏi tại sao con lại bất hạnh như vậy, hai bên nội ngoại chưa có ai bị ung thư", chị Phương nói. Để Hà không sốc và suy sụp tinh thần, chị không cho con biết nhiều về tình trạng bệnh tật.
Bé Hà được phẫu thuật cắt buồng trứng phải cùng khối u và mạc nối lớn, sau đó chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP HCM để lên phác đồ hóa trị. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Phương Nguyên (khoa Ung bướu Nhi) cho biết bé Hà vừa trải qua cuộc mổ lớn, lại bị tế bào ung thư tấn công nên thể trạng yếu ớt, quá trình điều trị khó khăn và kéo dài hơn bình thường.
Phác đồ điều trị của em gồm 4 toa hóa chất, nếu thuận lợi sẽ kết thúc sau 2-3 tháng. Tuy nhiên khi vào thuốc, cơ thể Hà phản ứng dữ dội, quá trình điều trị kéo dài thành 4 tháng. Khi vừa vào thuốc trong toa đầu tiên được vài ngày, một sáng sớm Hà bỗng cứng đơ cả người, co giật mạnh, răng cắn vào lưỡi bật máu. Chị Phương hốt hoảng, chạy chân trần bế con vào Bệnh viện Ung bướu cách phòng trọ vài trăm mét để cấp cứu. Bác sĩ cho biết Hà bị tác dụng phụ của hóa chất làm hạ canxi và kali trong máu dẫn đến cơn đau dữ dội kèm nôn ói, co giật. Được mẹ đưa đến viện sớm, em qua cơn nguy kịch, song sau đó tình trạng co giật vẫn tiếp diễn, có ngày 4-5 lần.
Ngoài ra, Hà còn bị các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn điện giải làm rối loạn tri giác cấp, áp xe não... phải cấp cứu nhiều lần. Trong suốt quá trình truyền thuốc, các bác sĩ luôn phải theo dõi tình trạng bé sát sao hơn các trẻ khác. Một lần bị nhiễm trùng máu nặng, Hà phải chuyển cấp cứu sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để thay máu một phần. Quá trình hóa trị vì thế gián đoạn.
Bé Hà sụt giảm hơn 6 kg, chỉ nặng chưa đầy 20 kg. Cô bé kiệt sức, hầu như chỉ nằm trên giường, đi đâu mẹ cũng bế cõng. Mẹ bé kể có những lần đau nhiều, Hà vừa khóc vừa hỏi: "Chừng nào thì con hết bệnh? Có khi nào con sẽ chết không mẹ ơi?".
Chị kể, hồi đầu tháng 8/2021, Hà nói "không muốn điều trị nữa, nhà đã cạn tiền". Cô bé cũng nhớ bố, em gái, bà nội, muốn một lần nữa được ngủ trên chiếc giường của mình ở nhà. Chị Phương lúc ấy cũng nghĩ con có thể không còn cơ hội được trở về nhà, nên quyết định đưa Hà về quê trong hai tuần được tạm nghỉ giữa hai toa hóa chất.
Thời điểm đó, dịch Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát mạnh, giao thông ngưng trệ do giãn cách xã hội. Để có thể đưa con về nhà, chị Phương dùng số tiền hơn ba triệu đồng cuối cùng trong túi để thuê một chuyến xe cứu thương và trả phí test Covid-19 cho hai mẹ con. Về nhà, tinh thần Hà tốt hơn, song vài ngày sau lại lên cơn co giật, sốt cao phải quay trở lại TP HCM gấp. May mắn, sau lần này, cô bé đáp ứng điều trị, hoàn tất liệu trình hóa chất cần thiết.
Theo bác sĩ Nguyên, ung thư ở trẻ em là bệnh ít gặp hơn so với các lứa tuổi khác, trong đó, ung thư buồng trứng nằm ở nhóm u tế bào mầm, chiếm khoảng 15% các loại ung thư thường gặp ở trẻ. Loại ung thư này đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, khi trẻ xuất hiện khối u ở bụng, kèm đau bụng, có thể kèm rối loạn kinh nguyệt... phụ huynh cần đưa đi khám chuyên khoa sớm.
Hiện sức khỏe Hà đã ổn định, không ghi nhận tế bào ung thư trong cơ thể - bác sĩ đánh giá bé đã chiến thắng trong trận chiến cam go nhất với bệnh ung thư buồng trứng. Các cơn đau và co giật cũng đã hết. Trong 5 năm tới - giai đoạn bệnh dễ tái phát nhất - nếu bệnh không trở lại hoặc di căn thì em được xem là đã khỏi. Thời gian này bé Hà cần tới bệnh viện tái khám theo lịch hẹn. Các bác sĩ cũng tiếp tục theo dõi sát diễn tiến bệnh, cố gắng bảo tồn tối đa buồng trứng còn lại, nhằm bảo vệ chức năng sinh sản của em khi trưởng thành.
Sau gần nửa năm ở nhà dưỡng bệnh, Hà khỏe hơn và đi học lại, bằng hình thức trực tuyến do Covid-19 ở quê em diễn biến phức tạp. Lẽ ra em đã lên lớp 6, song vì phải chữa bệnh, bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học nên Hà đang học lại lớp 5. Mặc dù vậy, em cho biết "được đi học là còn khoẻ, em sẽ cố gắng học để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo".
Chị Phương chia sẻ trong cuộc chiến vừa qua, họ may mắn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cả tinh thần và vật chất từ y bác sĩ các bệnh viện và Quỹ Hy vọng. Nhờ đó, gánh nặng kinh tế chữa bệnh cho con đã được san sẻ bớt. Giờ đây vợ chồng chị cũng đang cố gắng tăng ca ở nhà máy sản xuất túi xách, kiếm tiền trả khoản nợ hơn 200 triệu đồng đã vay mượn khắp nơi chữa bệnh cho con.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Xem thông tin về chương trình .
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk