Hai liệu pháp trị ung thư hiện đại nhất
Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết trong nhiều năm qua việc điều trị ung thư đạt rất nhiều tiến bộ, thực hiện nhiều kỹ thuật tương đương thế giới.
"Hai tiến bộ mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch. Đặc biệt, phương pháp miễn dịch đang được kỳ vọng, cũng là xu hướng trong việc điều trị ung thư", ông Quảng phát biểu tại một hội nghị về ung thư giữa tháng này.
Tại Việt Nam đang triển khai hai phương pháp về miễn dịch. Cách thứ nhất, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để tháo bỏ các "chốt" do tế bào ung thư tạo ra nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng chưa cao, chỉ 15-20%. Đặc biệt chi phí thuốc rất đắt.
Tại Bệnh viện K, vài bệnh nhân tự bỏ tiền điều trị liệu pháp này với chi phí khoảng 120 triệu đồng mỗi tháng. Một số trường hợp khác được các hãng dược lớn hỗ trợ.
Cách thứ hai, dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường sức để kháng để đánh bại tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm.
Một liệu pháp tiên tiến khác đang được áp dụng là trúng đích. Mỗi loại ung thư sẽ có loại thuốc đích khác nhau. Khác với điều trị bằng hóa chất, tia xạ, khi vào cơ thể, thuốc đích chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
Các số liệu theo dõi cho thấy, các bệnh nhân ung thư phổi, gan, buồng trứng, vú, đại trực tràng, thận, khoang miệng... khi sử dụng thuốc điều trị đích đều tăng thời gian sống thêm.
"Ung thư phổi giai đoạn muộn dùng thuốc điều trị đích, sẽ kéo dài sự sống được hơn 3 năm", ông Quảng nói.
Hầu hết bệnh nhân ung thư thuộc giai đoạn muộn, tái phát, di căn, điều trị tại tuyến trung ương, đã được sử dụng thuốc trúng đích và được Bảo hiểm Y tế chi trả 50%.
Trong 5 năm qua, việc phẫu thuật, xạ trị ung thư tại Việt Nam cũng tiến những bước rất dài với kỹ thuật phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, cắt hớt niêm mạc, phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật bảo tồn, tạo hình.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá những năm gần đây tỷ lệ chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm tăng lên, giúp tăng tỷ lệ người điều trị khỏi cũng như thời gian sống thêm. Hiệu quả chẩn đoán và điều trị được nâng cao là kết quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật, cải tiến phác đồ điều trị, các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.
Ung thư vẫn có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng của các gia đình và xã hội. Theo GloboCan 2018, ước tính có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư hằng năm trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 165.000 ca mắc mới,115.000 ca tử vong do bệnh này.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk