Ngăn tái phát ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng khoa Tuyến Vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biế điều trị ung thư vú đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích và liệu pháp nội tiết.
"Trong đó, liệu pháp nội tiết được chứng minh hiệu quả đối với người ung thư vú, giảm 40% tỷ lệ tái phát và 30% tỷ lệ tử vong", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Nội tiết tố là hormone được tiết ra bởi các cơ quan nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, buồng trứng... Với tuyến vú, hai nội tiết tố chính là estrogen và progesteron giúp cho vú phát triển, trưởng thành và tạo sữa. Tuy nhiên, estrogen cũng gây kích thích sự tăng trưởng của tế bào đột biến, khi gắn vào các thụ thể (phân tử protein) nội tiết sẽ làm các nhóm tế bào đột biến sinh sôi phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể và gây ra ung thư vú.
Theo bác sĩ, liệu pháp nội tiết là phương pháp điều trị hiệu quả với bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính. "Bệnh nhân càng lớn tuổi thì càng mang nhiều thụ thể nội tiết dương tính so với bệnh nhân trẻ tuổi, do đó họ được hưởng lợi nhiều hơn từ phương pháp điều trị này", bác sĩ Phúc nói.
Tùy vào độ tuổi, tình trạng kinh nguyệt và phân nhóm nguy cơ, các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc nội tiết khác nhau, giúp vô hiệu hóa hoặc làm giảm nồng độ của estrogen trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát. Một số nghiên cứu cho thấy thụ thể nội tiết dương tính chiếm khoảng 65-75% trường hợp người bệnh ung thư vú.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phúc khuyến cáo điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết nên kéo dài ít nhất 5 năm. Tương tự các phương pháp điều trị khác, liệu pháp nội tiết cũng có một số tác dụng phụ như xuất hiện các cơn bốc hỏa, đau khớp, loãng xương... Một số người bệnh vì lo lắng khi gặp tác dụng phụ đã tự ý ngưng sử dụng khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, làm giảm hiệu quả và gián đoạn quá trình điều trị. Ngay khi có tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được đánh giá và điều chỉnh thuốc cho phù hợp với thể trạng.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Yến Phi, khoa Tuyến Vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyên phụ nữ chủ động tầm soát ung thư vú cho bản thân bằng cách sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú.
"Nên thực hiện phương pháp này vào ngày thứ 10 của chu kỳ kinh nguyệt để có kết quả chính xác nhất", bác sĩ Phi lưu ý.
Ngoài ra, bác sĩ Phi khuyến cáo phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú bằng các biện pháp như chụp nhũ ảnh, siêu âm, MRI để kịp thời phát hiện các tế bào ung thư. Đặc biệt là với người có nguy cơ cao như gia đình có người mắc ung thư vú, người trên 40 tuổi, hành kinh sớm, từng xạ trị vùng ngực. Tùy vào giai đoạn bệnh và bản chất sinh học của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Theo số liệu của Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có hơn 21.000 phụ nữ mắc mới ung thư vú, hơn 9.000 ca tử vong. Nghiên cứu dịch tễ tại TP HCM cũng cho thấy ung thư vú là loại ung thư thường gặp, chiếm hơn gần 24% với tỷ lệ 31,9/100.000 phụ nữ. Bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Lê Cầm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk