Chưa hết giãn cách, nhiều người đã chủ quan

Mặc dù chưa hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, nhưng những ngày qua, không chỉ ở “vùng xanh”, mà ngay cả trong “vùng đỏ”, nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan, thoải mái đi lại, mua bán, tập thể dục… khi nguy cơ về dịch bệnh đang hiện hữu. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, tình trạng này sẽ khiến cho thành quả gần hai tháng chống dịch tại Thủ đô có nguy cơ đổ sông, đổ bể.
Chưa hết giãn cách, nhiều người đã chủ quan
Người dân xếp hàng theo quy định mua bánh trung thu tại một điểm bán ở Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ

 

Gần một tuần qua, khi được thành phố công nhận là “vùng xanh”, cho phép nới lỏng một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, lượng người và phương tiện trên các đường phố thuộc quận Long Biên đã tấp nập hơn rất nhiều. Nhiều chốt kiểm soát đã được dỡ bỏ, vì thế, vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, trên một số tuyến phố như Mai Chí Thọ, Hội Xá hay Ngọc Lâm, Ngọc Thụy…, khá nhiều người đạp xe, đi bộ. Có hàng quán treo biển chỉ bán mang về, nhưng vẫn có người vô tư ngồi uống cà-phê, trà đá. Hình ảnh này cũng diễn ra khi tại tổ 4, phường Việt Hưng mới phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 chưa rõ nguồn lây, đang diễn biến hết sức phức tạp. 

Chưa hết giãn cách, nhiều người đã chủ quan
Đường phố Hà Nội đông hơn sau khi dỡ bỏ 39 chốt kiểm soát, nới lỏng các quy định về giấy đi đường. Trong ảnh: Quốc lộ 32 đoạn qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: HOÀNG CHIẾN 

Ngay tại một số “vùng đỏ” như các quận Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân, nhiều lúc người dân ra đường đông đúc, thoải mái, thậm chí điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng chức năng dỡ bỏ 39 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào “vùng xanh” của 19 quận, huyện, thị xã cũng dễ khiến người dân chủ quan, “tự tin” ra đường hơn. Tính từ trưa 18/9 đến 11 giờ ngày 19/9, công an đã phát hiện, lập hồ sơ xử phạt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch đối với 161 trường hợp.

Khi bị lực lượng chức năng xử lý, nhiều người hồn nhiên lý giải, do giãn cách đã lâu, nay phấn khởi ra đường nên... quên không đội mũ bảo hiểm. “Tuy nhiên, thực tế, lực lượng chức năng đã và đang tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm mọi vi phạm”, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y1/141 (Công an TP Hà Nội) thông tin. 

Hiện nhiều quán ăn, cửa hàng dịch vụ mở cửa trở lại nhưng lơ là phòng, chống dịch khi chưa thực hiện điều kiện bắt buộc là dán mã QR để khách hàng khai báo y tế. Tại nhiều tuyến phố như Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Quang Trung (quận Hà Đông)... đã xuất hiện tình trạng tắc đường, kẹt xe khi người dân chen chúc đến mua bánh trung thu, buộc lực lượng chức năng phải xuất hiện điều tiết giao thông. Trong đó, hàng chục người ken nhau xếp hàng mua bánh trên phố Thụy Khuê bất chấp nguy cơ dịch bệnh và cảnh báo của lực lượng chức năng, thật sự đáng lo ngại. 

Ngay trong sáng 18/9, lãnh đạo UBND phường Thụy Khuê đã lập đoàn kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh bánh trung thu đóng cửa, dừng hoạt động đến khi có phương án bán hàng bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Chiều cùng ngày, UBND phường đã mời sáu chủ cơ sở kinh doanh bánh trung thu đến họp bàn phương án bán hàng bảo đảm giãn cách. Tất cả các chủ hàng đều nhất trí việc tạm dừng đóng cửa hàng, ký cam kết tại UBND phường. Trong đó, cơ sở kinh doanh bánh trung thu Hương Trà và cơ sở Bảo Phương 2 được UBND phường Thụy Khuê bố trí bán hàng tại Trường tiểu học Chu Văn An (260 Thụy Khuê) từ sáng 19/9. Bốn cơ sở còn lại cam kết đóng cửa và chỉ bán online, để không tụ tập đông người tại địa điểm kinh doanh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, mặc dù kết quả đã có bước tiến mới, nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Hà Nội vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức, vì các ca F0 trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. 

Đến ngày 21/9, Hà Nội có thể sẽ tiếp tục nới lỏng các địa bàn và hoạt động kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế dự phòng, thành phố cần thực hiện việc này một cách thận trọng, theo lộ trình phù hợp và cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức để bảo vệ chính mình và cộng đồng, tránh tâm lý xả hơi, chủ quan sau thời gian dài giãn cách.

Trước tình trạng tụ tập đông người, xếp hàng chờ mua bánh trung thu tại một số cơ sở trên địa bàn phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) không bảo đảm quy định về phòng, chống dịch, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo: Bất cứ hoạt động buôn bán nào không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong thời gian đang giãn cách xã hội dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng là rất lớn. Vì chúng ta không thể biết ai bị bệnh, hay không bị bệnh, ai đang mang mầm bệnh Covid-19. 

Đối với ổ dịch tại tổ 4 Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, bên cạnh việc truy vết được nguồn lây, thì các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có liên quan đến ổ dịch này. Đây là yếu tố quyết định để phát hiện thêm các trường hợp mắc Covid-19 (nếu có) để kịp thời khoanh vùng, phong tỏa không để dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng. 

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Việc Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới gọi là hiện tượng “xôi đỗ”, hy vọng không bùng lên vì đã có số lượng nhất định người dân được tiêm vắc-xin và có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Hiện không giãn cách rộng, phong tỏa rộng, nhưng phải phong tỏa chính xác nơi có ca dương tính, tất cả người có triệu chứng ho, sốt phải được rà soát và bệnh viện phải sẵn sàng để điều trị.

Chiều 19/9, đồng chí Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Phát biểu kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, ngày 21/9, Hà Nội kết thúc các đợt giãn cách phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với phương án phân vùng, tạo bước đệm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Dự kiến, sau ngày 21/9, thành phố không chia 3 phân vùng để chống dịch. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ. Điểm đỏ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khu vực xuất hiện F0 và các gia đình bên cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là “vùng vàng”, còn lại là xanh. Việc thực hiện giải pháp này theo tinh thần “không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”. Việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ. Hà Nội báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh, thành phố lân cận để phối hợp quản lý người ra, vào Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo phương hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR; bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; bảo đảm các điều kiện cần thiết để các trường học chuẩn bị đón học sinh, sinh viên trở lại học tập.

Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn, vì thế, các địa phương cần chủ động các phương án phòng, chống dịch.

 

 
QUỐC TOẢN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?

Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?

BHYT & BHXH - 01/02/2024

Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?

Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%

Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%

BHYT & BHXH - 22/11/2023

Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%

5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

BHYT & BHXH - 17/11/2023

5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?

Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?

BHYT & BHXH - 10/10/2023

Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?

Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả

Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả

BHYT & BHXH - 08/09/2023

Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới