Nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình
Buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "bảo hiểm y tế hô gia đình" thu hút sự quan tâm của độc giả. Đa phần người dân quan tâm đến quyền lợi khi tham gia, mức phí đóng, những trường hợp khám chữa bệnh được thẻ bảo hiểm y tế chi trả. Trong hai giờ, các chuyên gia tận tình giải đáp các thắc mắc, đồng thời khuyến khích mọi người mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe cá nhân, người thân, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh. Dưới đây là nội dung buổi tư vấn trực tuyến.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014: "Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo Luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện; hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (gọi chung là hộ gia đình) bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú". Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm y tế hộ gia đình là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc với tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Theo quy định tại điểm E khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau: Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định là người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức hưởng Bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2020:
Nếu khám, chữa bệnh đúng tuyến:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã.
- 100% chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện tại là 223.500 đồng/lần).
- 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
- 80% chi phí khám, chữa bệnh với những trường hợp còn lại (người bệnh trả 20%).
Nếu khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh được hưởng:
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.
- 60% chi phí điều trị nội trú đến 31/12/2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh;
- Từ ngày 1/1/2021 hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh.
- Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp nào? (Phú Hà, 34 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt - Phó trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm y tế, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Theo quy định của Luật BHYT thì các trường hợp không được thanh toán BHYT:
- Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 điều 21 đã được ngân sách Nhà nước chi trả.
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Khám sức khỏe
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, mát trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác
- Giám định y khoa, giám định pháp y, ,giám định pháp y tâm thần
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học
- Xin chuyên giả cho biết Bảo hiểm y tế được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào ? (Phương Thùy, 32 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Chào bạn! Nguyên tắc Bảo hiểm y tế dựa theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia Bảo hiểm y tế. Mức đóng Bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
Mức hưởng Bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh do quỹ Bảo hiểm y tế và người tham gia cùng chi trả. Quỹ Bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.
- Các vi phạm về BHYT được xử lý như thế nào? (Ánh Quỳnh, 32 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Theo quy định của luật BHYT quy định xử lý vi phạm về BHYT như sau:
- Người có hành vi vi phạm quy định của luật này vào quy định khác của luật pháp luật có liên quan đến bảo hiểm y tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo hiểm y tế thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau.
+ Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế.
+ Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
- Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong luật bảo hiểm y tế? (Thúy Hà, 37 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Bảo hiểm y tế gồm:
- Không đóng hoặc đóng Bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ Bảo hiểm y tế.
- Sử dụng tiền đóng, quỹ Bảo hiểm y tế sai mục đích.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia Bảo hiểm y tế và của các bên liên quan đến Bảo hiểm y tế.
- Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về Bảo hiểm y tế.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế.
- Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng hoặc có nhiều hợp đồng lao động thì đóng BHYT như thế nào? (Hà Duy, 32 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau theo quy định thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Luật BHYT. Trường hợp người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì thực hiện đóng BHYT theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất.
- Người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT được quy định như thế nào ? (Hạnh Trà, 35 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Người lao động thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động).
Trách nhiệm đóng: Người lao động đóng 1/3, người sử dụng lao động đóng 2/3 mức đóng hàng tháng (bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động).
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi có phải đóng BHYT không? (Thanh Thủy, 32 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Khoản 5 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định cơ quan BHXH đóng tiền tham gia BHYT của đối tượng Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
Như vậy, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi không phải đóng tiền tham gia BHYT.
- Người sử dụng lao động quy định trong Luật Bảo hiểm y tế gồm những đối tượng nào? (Ngọc Diệp, 38 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Người sử dụng lao động bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và tổ chức khác; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế.
- Quyền và trách nhiệm của tổ chức Bảo hiểm y tế ra sao? (Lâm Phong, 32 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Quyền của tổ chức bảo hiểm y tế
Yêu cầu người sử dụng lao động, đại diện của người tham gia bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của họ về việc thực hiện bảo hiểm y tế.
Kiểm tra, giám định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cung cấp hồ sơ, bệnh án, tài liệu về khám bệnh, chữa bệnh để phục vụ công tác giám định bảo hiểm y tế.
Từ chối thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định của Luật này hoặc không đúng với nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm y tế hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà tổ chức bảo hiểm y tế đã chi trả.
Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.
Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm y tế
-Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Tổ chức để đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thuận lợi tại đại lý bảo hiểm y tế. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, nơi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo đảm nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện cho người tham gia bảo hiểm y tế. Rà soát, tổng hợp, xác nhận danh sách tham gia bảo hiểm y tế để tránh cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này, trừ các đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.
- Thu tiền đóng bảo hiểm y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
- Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
- Ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Cung cấp thông tin về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hướng dẫn người tham gia bảo hiểm y tế lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. - Kiểm tra chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; giám định bảo hiểm y tế.
- Bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; giải quyết theo thẩm
quyền các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về chế độ bảo hiểm y tế.
- Lưu trữ hồ sơ, số liệu về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; xác
định thời gian tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia
bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế, xây
dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế.
- Tổ chức thực hiện công tác thống kê, báo cáo, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo
hiểm y tế; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu về quản lý, sử dụng quỹ
bảo hiểm y tế.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và hợp tác
quốc tế về bảo hiểm y tế.
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình bao gồm những đối tượng nào? (Nhã Linh, 28 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội thuộc nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế do cơ quan Bảo hiểm xã hội đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Do đó không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng gồm các đối tượng sau:
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ.
- Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
-
Người tham gia BHYT theo đối tượng Hộ gia đình khi đi khám chữa bệnh đúng quy định mức hưởng BHYT như thế nào?
(Phúc Lâm, 42 tuổi)- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT và Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người tham gia BHYT hộ gia đình khi đi khám chữa bệnh đúng quy định (xuất trình đầy đủ thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, đi khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký ban đầu hoặc có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh HYT) thì được thanh toán 80% chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT.
- Tôi có thể mua bảo hiểm y tế hộ gia đình ở đâu? (Trúc Thư, 28 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 32 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-Bảo hiểm xã hội ngày 26/6/2020, tổ chức làm đại lý thu hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người dân cư trú sẽ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội đồng thời cũng là nơi tiếp nhận thẻ Bảo hiểm y tế từ cơ quan Bảo hiểm xã hội để chuyển về cho người dân.
- Trường hợp tất cả các thành viên trong một hộ gia đình cùng tham gia Bảo hiểm y tế thì mức đóng có được giảm trừ không? Áp dụng với đối tượng nào? (Mỹ Hà, 28 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Việc giảm trừ mức đóng Bảo hiểm y tế được thực hiện khi các thành viên tham gia theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Mức đóng Bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
- Đối tượng có thu nhập cao thì mức đóng Bảo hiểm y tế được tính như thế nào? Mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng Bảo hiểm y tế của người lao động được quy định như thế nào và thời điểm áp dụng ? (Bạch Mai, 34 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Mức đóng Bảo hiểm y tế căn cứ theo đối tượng tham gia được quy định tại Luật Bảo hiểm y tế. Người lao động đóng 1/3, người sử dụng lao động đóng 2/3 mức đóng hàng tháng (bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động).
Phương thức đóng: Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.
- Trường hợp người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì có được quỹ BHYT thanh toán không và mức thanh toán như thế nào? (Phương Đạt, 35 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH thì được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú, mức thanh toán cụ thể như sau:
- Trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương (trừ trường hợp cấp cứu), thanh toán như sau:
+ Khám chữa bệnh ngoại trú: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh.
+ Khám chữa bệnh nội trú: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
- Trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương (trừ trường hợp cấp cứu): thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
- Trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương (trừ trường hợp cấp cứu): thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
- Trường hợp cấp cứu: người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT.
- Người tham gia BHYT hộ gia đình đi khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ, ngày lễ thì có hưởng chế độ BHYT không? (Mỹ Lan, 34 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Người tham gia BHYT Hộ gia đình nếu đi khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ, ngày lễ tại cơ sở khám chữa bệnh có đăng ký khám chữa bệnh BHYT ngày nghỉ, ngày lễ với cơ quan BHXH và thực hiện thủ tục khám chữa bệnh BHYT đúng quy định thì vẫn được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi chi trả của quỹ.
- Những lưu ý gì khi sử dụng Bảo hiểm y tế hộ gia đình? (Hà Phương, 21 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ và không sử dụng thẻ của người khác trong khám chữa bệnh.
Xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp, nếu thẻ bảo hiểm y tế không có ảnh phải xuất trình thêm giấy tờ tùy thân có ảnh; giấy chuyển viện đối với trường hợp chuyển viện; giấy hẹn khám lại đối với trường hợp phải khám lại.
Đối với người tham gia từ ngày 1/1/2015 hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm thì thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng tiền.
Để thẻ Bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng liên tục và không bị gián đoạn, trước khi thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng 10 ngày, người thuộc hộ gia đình phải đóng tiền cho đại lý thu hoặc đóng trực tiếp tại Bảo hiểm xã hội huyện/ Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố.
- Người có thẻ BHYT khi đi công tác hoặc tạm trú ở địa phương khác thì khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nào để được hưởng quyền lợi? Các thủ tục cần thiết là gì? (Hùng Cường, 38 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt:
Khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác hoặc tạm trú tại địa phương khác được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình thẻ BHYT, Giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú khi đến khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, theo quy định của khoản c điểm 3 Điều 22 Luật BHYT thì người tham gia BHYT có thể đến tất cả các Bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc để khám chữa bệnh BHYT, có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT cùng giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh thì vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
- Trường hợp người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tại nước ngoài thủ tục và mức hưởng như thế nào? (Phương Anh, 31 tuổi)
- Ông Nguyễn Thành Đạt::
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 đã bãi bỏ quy định về việc thanh toán chi phí của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh tại nước ngoài. Như vậy, hiện nay, người tham gia BHYT khi đi khám chữa tại nước ngoài thì không được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí này.
- Lợi ích từ hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình khi tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình? (Hà Phương, 21 tuổi)
- Bà Đinh Mai Hạnh:
Thông tin người tham gia được cập nhật, điều chỉnh đầy đủ, chính xác, kịp thời vào cơ sở dữ liệu hộ gia đình, bao gồm: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, số chứng minh thư nhân dân, mã số Bảo hiểm xã hội, nơi cấp giấy khai sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ, đã tham gia hoặc chưa tham gia Bảo hiểm y tế. Toàn bộ dữ liệu danh mục hành chính bao gồm danh mục tỉnh; danh mục huyện; danh mục xã, phường; danh mục thôn, xóm; danh mục đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý người tham gia Bảo hiểm y tế. Việc hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu trên sẽ phục vụ cho việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế ở quy mô lớn, nâng cao tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân.
Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông và hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành Bảo hiểm xã hội, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội.
Đây cũng đồng thời là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Kết nối liên thông dữ liệu với bộ Tư pháp trong quản lý dữ liệu tăng, giảm thành viên trong hộ gia đình. Đảm bảo tính chính xác, nhất quán trong các báo cáo thống kê.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Kiểm soát, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả
BHYT những điều cần biết - 22/07/2024
Kiểm soát, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả
Thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
BHYT những điều cần biết - 07/11/2023
Thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Không tham gia BHYT, bệnh nhân Covid-19 phải tự thanh toán chi phí chữa bệnh
BHYT những điều cần biết - 21/10/2023
Không tham gia BHYT, bệnh nhân Covid-19 phải tự thanh toán chi phí chữa bệnh
Xem xét, đánh giá tác động những sửa đổi lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội
BHYT những điều cần biết - 26/06/2023
Xem xét, đánh giá tác động những sửa đổi lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên mức đóng BHXH hiện hành, vì sao?
BHYT những điều cần biết - 29/04/2023
Doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên mức đóng BHXH hiện hành, vì sao?