HÀ NỘI - Phát hiện người bệnh có hai túi phình mạch bị vỡ, tiên lượng nặng, bác sĩ Đài bình tĩnh huy động kíp chuyên gia bịt túi phình trước.
Hơn 10 bác sĩ trong kíp nhanh chóng vào cuộc. Bệnh nhân 56 tuổi bị vỡ phình mạch nhưng một tuần sau mới vào viện, hôn mê sâu, tình huống "lành ít dữ nhiều". Kíp mổ quyết định áp dụng kỹ thuật nút lò xo kim loại trong phình mạch để bịt túi phình trước. Đây là lần đầu tiên, khoa đột quỵ triển khai phương pháp này.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103 vẫn nhớ như in diễn biến ca bệnh 12 năm về trước, khẳng định đây là bước tiến quan trọng của ngành đột quỵ khi áp dụng kỹ thuật nút lò xo kim loại để cứu sống bệnh nhân đột quỵ não. Thông thường, người bị vỡ túi phình mạch lần đầu có nguy cơ tử vong 10 % nếu không kịp cứu chữa. Vỡ lần hai, tỷ lệ tử vong trên 50%.
Tình huống nguy cấp, tất cả dồn lực cứu sống bệnh nhân, kể cả khi phần trăm thành công thấp. "Hiện, kỹ thuật này đã trở nên thường quy nhưng tại thời điểm đó, không ai dám chắc sẽ thành công nhưng nếu không làm thì chắc chắn người bệnh sẽ mất mạng", bác sĩ Đài kể lại.
Bịt được túi phình xong, bệnh nhân bất ngờ xuất hiện biến chứng co thắt mạch máu, tiếp tục hôn mê và thở máy. Kíp cấp cứu phải tiếp tục theo sát từng chức năng sống 24/24. Sau 15 ngày, bệnh nhân tự thở và được chuyển sang khoa phục hồi chức năng để cải thiện khả năng vận động.
"Đối với bệnh nhân đột quỵ, lúc nào cũng là cuộc chiến sinh tử, rủi ro cao nhưng không có nghĩa là chùn bước. Trong nhiều tình huống, mình phải vững lý trí, quyết định nhanh, chớp lấy cơ hội để đưa bệnh nhân từ cửa tử trở về", bác sĩ Đài nói.
Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103, thành lập ngày 6/11/2006. Hiện khoa có 6 bác sĩ và hơn 50 nhân viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý... Thông thường, một kíp cấp cứu bao gồm hai bác sĩ can thiệp mạch, hai điều dưỡng phụ, một kíp gây mê gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một người điều khiển máy phòng ngoài. Mục tiêu hàng đầu "can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa".
Mỗi năm khoa tập trung cấp cứu và điều trị cho 1.600 đến 1.800 bệnh nhân đột quỵ não. Nơi đây cũng là cơ sở thực hành, đào tạo sau đại học, huấn luyện học viên và là nơi chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Theo bác sĩ, hàng năm, khi trời trở lạnh, bệnh nhân đột quỵ gia tăng, hầu hết đều không đến kịp trong thời gian vàng, khiến công tác cứu chữa thêm phần khó. Nguyên nhân có thể do sự hiểu biết người dân còn hạn chế, không phát hiện mình bị đột quỵ và xử lý bước đầu không đúng. Nhiều trường hợp dùng thuốc nam, lấy máu đầu ngón tay... hoặc hệ thống y tế địa phương nhiều nơi chưa sàng lọc và phát hiện được đột quỵ, rút ngắn thời gian cứu sống người bệnh.
Các bác sĩ phải luôn tiếp cận nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ của thế giới, thậm chí quyết định áp dụng kỹ thuật mới trong tích tắc để cứu sống người bệnh. Điển hình như ứng dụng điều trị tiêu huyết khối, can thiệp mạch máu não hoặc đặt stent động mạch, giúp nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp do xơ vữa.
Ngoài ra, can thiệp mạch máu não là kỹ thuật bác sĩ một chuyên khoa không thể thực hiện một mình mà cần hỗ trợ nhiều chuyên khoa, đòi hỏi tính chính xác, tỉnh táo, không để cảm xúc lấn át. Là người hỗ trợ cho bác sĩ chính trong kíp can thiệp, bác sĩ Nguyễn Đăng Hải, khoa Đột quỵ, tự nhủ phải học cách điều chỉnh cảm xúc, nhất là sau những ca thất bại, phải xốc lại tinh thần để lao vào cuộc chiến mới.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân 83 tuổi, hôn mê sâu, gia đình từ chối điều trị và muốn đưa về nhà. Song khi theo dõi chức năng sống cụ vẫn còn hy vọng, kíp bác sĩ động viên gia đình tiếp tục chờ đợi và theo dõi thêm. "May mắn là cụ dần lấy lại ý thức, tỉnh táo và khỏe mạnh xuất viện", bác sĩ kể.
Nhiều trường hợp khẩn cấp khác cần khẩn trương can thiệp mạch để cứu lấy tính mạng nhưng gia đình lại khó khăn không lấy đâu ra tiền. Đắn đo suy nghĩ, bác sĩ Đài tính "thôi thì cứ làm, phải cứu người trước vì đây trách nhiệm lớn nhất của ngành y".
Điều các bác sĩ trăn trở nhất vẫn là thời gian cấp cứu đột quỵ, bởi hầu hết bệnh nhân thường không đến kịp trong thời gian vàng.
Bác sĩ Đỗ Đức Thuần, phẫu thuật viên khoa Đột Quỵ, Bệnh viện 103, cho biết để cứu sống bệnh nhân nhồi máu não, khó nhất vấn đề thời gian, làm sao người bệnh đến viện sớm đây là điều tối quan trọng. Còn bệnh nhân chảy máu não, tùy thuộc mức độ ổ chảy máu lớn nhỏ, nông hay sâu, trên người bệnh có bệnh nền hay không để điều trị.
Để xử trí, bác sĩ khoa đột quỵ 103 kết nối và phản ứng nhanh trên điện thoại với hơn 130 bác sĩ ở nhiều tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam để rút ngắn thời gian cho người bệnh. Nhờ đó, bệnh viện tuyến trên kịp thời nắm được sơ bộ về tình trạng và lựa chọn cách điều trị tối ưu nhất trước khi bệnh nhân đến viện.
Thế giới quy ước thời gian cửa sổ vàng là 4 giờ 30 phút cho tái thông mạch máu đường tĩnh mạch, 6 giờ cho tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học. Khi được điều trị tái thông mạch 45 đến 60% bệnh nhân có thể xuất viện và sinh hoạt bình thường.
Song, không có công thức nào chung cho bệnh nhân cấp cứu. Trường hợp can thiệp rủi ro, bệnh nhân phải chịu di chứng suốt đời. Càng rút ngắn thời gian, bệnh nhân càng có thêm cơ hội sống và được trả lại chức năng thần kinh, vận động để trở lại cuộc sống bình thường.
Khoa đột quỵ 103 còn áp dụng thời gian "cửa kim", tức là thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến trước khi được điều trị tái thông mạch là dưới 30 phút, trong khi tiêu chuẩn chung của thế giới là 60 phút. Bệnh nhân càng được tái thông sớm, kết quả lâm sàng càng tốt, có thể đứng lên và đi lại bình thường sau một vài ngày.
Trở về phòng làm việc, bác sĩ Đài tự hào khoe chứng chỉ xếp hạng bạch kim (PLATINUM) do Hội Đột quỵ thế giới (WSO) xếp hạng cho Khoa đột quỵ viện 103 suốt từ quý 4/2019 đến nay. Xếp hạng này dựa trên những tiêu chí khắt khe như khả năng huấn luyện con người, thiết bị chẩn đoán, áp dụng các quy chuẩn thế giới trong điều trị đột quỵ cấp, dự phòng đột quỵ và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác.
Khoa tiếp tục đào tạo và ứng dụng thêm nhiều phương pháp kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân đột quỵ. Các chuyên gia thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn người nhà, bệnh nhân theo dõi sức khỏe, nhập viện sớm khi có triệu chứng bất thường.
"Cứ mỗi ngày trôi qua có thêm một bệnh nhân đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường, tôi và mọi người càng tin vào lựa chọn của mình. Đây cũng là cách để đền đáp sự hy sinh của gia đình đã luôn thông cảm và là hậu phương cho chúng tôi thêm vững tay nghề", bác sĩ Đài chia sẻ.