Chuyện người bệnh mang nhóm máu hiếm hiến đa tạng
Đêm ly biệt
10 giờ đêm 28-6, anh Hoàng trở về nhà sau ca trực tại cơ quan với một chút đau đầu nhẹ. Anh không ngờ cơn đau đầu đó báo hiệu tình trạng phình mạch não. Anh về nhà và lên phòng nghỉ ngơi như mọi khi mà không thông báo cho gia đình về tình trạng sức khỏe của mình.
Chị Đinh Thị Thu Hoài (chị gái của anh Hoàng) kể, 7 giờ sáng 29-6, như mọi khi không thấy anh Hoàng chở mẹ ruột chị sang nhà nên gọi điện để giục mẹ gọi Hoàng dậy. Chị vừa đến cơ quan thì được mẹ chị thông tin, anh Hoàng rơi vào tình trạng tê liệt, vệ sinh không tự chủ. Ngay lập tức, chị Hoài gọi điện cho một người quen đến đốt ngải, chữa bệnh với ý nghĩ rằng em trai mình bị tai biến. Tuy nhiên, tình trạng mỗi lúc một nguy kịch. Anh Hoàng được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh trong tình trạng mắt mở nhưng hoàn toàn vô thức, chân tay tê liệt.
Tại đây, các bác sĩ nhận định tình hình nguy kịch nên đã quyết định cho chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Hoàng được chẩn đoán bị phình động mạch não và không còn cơ hội cứu vãn.
“Lúc ấy cả ba chị em chúng tôi đều đang ở bệnh viện để chăm sóc Hoàng. Lúc nghe tin không còn cơ hội, cậu em trai nữa của tôi đã nói, Hoàng từng tâm sự sẽ hiến tặng lại mô tạng nếu không may có gì xảy ra. Vì thế, chúng tôi đã hỏi thăm để tìm cách xem có hiến được tạng của em mình không”, chị Hoài kể.
Nhưng lúc này, anh Hoàng đã ly thân với vợ. Mẹ anh Hoàng năm nay đã 75 tuổi mặc dù gật đầu ký vào đơn hiến tặng tạng của con, nhưng cũng ngất lên ngất xuống vì quá sốc trước sự ra đi của con mình. Đến giờ, mẹ anh Hoàng vẫn đang phải nằm viện điều trị.
Theo lời chị Hoài, anh Hoàng là một người đàn ông được nhiều người thương vì hoàn cảnh rất đặc biệt. Anh và vợ mới ly thân khoảng hai năm nay và những ngày cuối đời, cả hai vợ chồng đều không vượt qua được những cơn giận hờn. Vì thế, chị vợ anh dù có lên Hà Nội thăm anh nhiều lần nhưng không vào gặp mặt anh trực tiếp. Vợ anh cũng không có ý kiến gì về việc hiến tặng tạng của chồng mình.
Ba ngày sau đám tang của anh Hoàng, vợ anh và hai con dọn hết đồ đạc về nhà ở, thờ cúng anh và chăm sóc mẹ già. “Nhờ thế, mẹ tôi cũng bớt phần nào thương xót cho con trai mình, gia đình cũng đỡ hiu quạnh hơn”, chị Hoài kể.
Một ca ghép đặc biệt
PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trường hợp hiến tặng đa tạng của bệnh nhân Hoàng khá đặc biệt vì đây là bệnh nhân mang nhóm máu Ab. “Với nhóm máu hiếm này, chỉ có thể hiến được cho người cùng nhóm máu nên chúng tôi phải sàng lọc người nhận rất kỹ”, BS Nghĩa nói.
Sau quá trình sàng lọc, một bệnh nhân nam 19 tuổi bị xơ gan do nhiễm đồng được nhận lá gan của anh Hoàng. Hai bệnh nhân bị bệnh suy thận giai đoạn cuối 59 và 19 tuổi nhận hai thận. Bệnh viện cũng nhờ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tìm bệnh nhân tim cùng nhóm máu và duy nhất có Bệnh viện Chợ rẫy có bệnh nhân 61 tuổi bị suy tim đang chờ ghép có các chỉ số phù hợp.
Ngày 30-6, hơn 100 y, bác sĩ đã chạy đua với thời gian để tiến hành lấy, ghép đa tạng từ nguồn tạng hiến của anh Hoàng. Bệnh viện cũng lưu trữ được 10 gân tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trong số các ca ghép này, ca ghép gan mất nhiều thời gian hơn so với mọi khi vì tình trạng bệnh nhân suy gan do nhiễm đồng lâu ngày, chức năng gan kém, khả năng đông máu kém. Vì thế, nguy cơ chảy máu trong mổ cũng như bóc gan dính cho bệnh nhân rất khó khăn, mất tới bốn giờ để bóc gan xơ và hai giờ đồng hồ để ghép gan mới.
“Bệnh nhân này giác mạc có chút vấn đề nên chúng tôi không tiến hành lấy được giác mạc. Phổi của bệnh nhân cũng phải hồi sức quá lâu nên cũng không tiến hành lấy phổi được”, BS Nghĩa nói.
Sau ca ghép đa tạng, đến nay ba bệnh nhân ghép gan, thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được ra viện. Ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang ổn định dần sức khỏe.
Theo BS Nghĩa, đây là ca hiến đa tạng gần đây nhất được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. “Ghép tạng đã trở thành phẫu thuật thường quy nên người dân đừng nghĩ ghép tạng là xa vời. Tuy nhiên, vì ghép tạng cần cả quá trình nên mọi người cần nghĩ sớm đến viện tư vấn sớm, sẽ có kết quả tốt hơn. Tôi cũng mong cộng đồng nhìn nhận rộng hơn về việc hiến tặng tạng khi không may có người thân rơi vào tình trạng chết não”, BS Nghĩa nói.
Định hướng từ cuối năm 2019 và những năm tới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tăng tối đa số lượng bệnh nhân hiến tạng từ nguồn người cho chết não. Tiến tới, bệnh viện sẽ tiến hành ghép tụy, ghép mạch máu, vân tim…
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Người đàn ông 7 tháng liên tục phải ngủ ngồi
Ca bệnh hy hữu - 27/12/2023
Người đàn ông 7 tháng liên tục phải ngủ ngồi
Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi
Ca bệnh hy hữu - 27/11/2023
Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi
Ca bệnh hi hữu, trẻ 4 tuổi mọc răng trong khoang mũi
Ca bệnh hy hữu - 13/11/2023
Ca bệnh hi hữu, trẻ 4 tuổi mọc răng trong khoang mũi
Một bệnh nhân bất cẩn nuốt cây tăm gần 5cm
Ca bệnh hy hữu - 08/11/2023
Một bệnh nhân bất cẩn nuốt cây tăm gần 5cm
Ngũ cốc có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng
Ca bệnh hy hữu - 29/05/2020
Ngũ cốc có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng