Can khương (Gừng khô)

23/09/2021 - Cây thuốc quanh ta
Can khương và Phụ tử đều có tác dụng ôn dương khử hàn. Nhưng Can khương thuộc về ôn Tỳ dương trị lạnh tay chân, quyết nghịch. Trường hợp âm hàn nội thịnh, Tỳ Thận dương đều hư thì cả 2 vị có thể cùng dùng một lúc (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Can khương (Gừng khô)
Can khương (Gừng khô)

 

Tên gọi khác: Bạch khương, Quân khương (Bản Thảo Cương Mục), Bào khương, Hắc khương, Thánh khương, Đạm can khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa học: Zingiber officinale Roscoe

Họ : Zingiberaceae

Công dụng: Chữa đau bụng, ỉa chảy, dễ tiêu, tê thấp, nhức đầu, ngạt mũi, nôn mửa, bụng đầy trướng (Thân rễ sắc uống). Củ gừng còn phối hợp với các vị thuốc khác chữa trúng phong.

1. Mô tả:

  • Cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1m.
  • Thân rễ mọc phình lên thành củ, khi gìa thì có xơ.
  • Lá không cuống, mọc cách nhau, hình mũi mác, dài tới 20cm, rộng 2cm, bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng.
  • Cán hoa dài khoảng 20cm, mọc từ gốc, nó nhiều vẩy lợp lên. Cụm hoa dạng trứng, dài 5cm, rộng 2-3cm, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, có mép vàng. Đài có 3 răng ngắn. Tràng có ống dài gấp đôi đài, có 3 thùy hẹp nhọn, 1 nhị. Nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi. Cánh môi màu vàng, viền thêm màu tía, dài 2cm,rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn hơn. Bầu nhẵn, nhụy lép dạng sợi.
  • Có hoa vào mùa hè và mùa thu.

2. Phân bố, thu hái và chế biến:

Gừng có khắp nơi trong nước ta, thường được trồng làm thuốc, mứt, xuất khẩu.

Mùa đông đào lấy củ rễ những thân cây già, khi cây bắt đầu lụi, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch phơi khô gọi là Can khương (Gừng khô).

  • Phần dùng làm thuốc: Thân rễ (thường gọi là củ) đã phơi khô.

3. Mô tả dược liệu:

Thân rễ gừng khô là loại Gừng lây năm càng tốt có dạng ngón tay phẳng dẹt phân nhánh, có đốt rõ ràng vỏ ngoài màu xám trắng hoặc xám vàng nhăn teo. Đỉnh có vết rễ và vết mầm chất cứng giòn mặt cắt có chất xơ.

Loại to, gìa, khô, củ chắc, vỏ sắc màu vàng nhợt ít nhăn, sạch rễ con, thịt trong vàng đậm là tốt. Thứ mốc vụn nát, ruột đen thối là xấu.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, kín, tránh ẩm, nóng làm mất tinh dầu thơm

4. Bào chế:

  • Khi dùng rửa sạch ủ mềm, đồ qua rồi bào hay thái mỏng (không cần bỏ vỏ).
  • Phơi khô (Xem: Bào khhương, Can khương, Tiên khương, Thán khương, Hắc khương, ở mục Khương).

5. Vị thuốc Can khương:

Tính vị: Vị cay, mùi thơm hắc, tính ấm nóng

Quy kinh: Tâm, Tỳ, Phế, Vị (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Công dụng: Ôn trung khử hàn, hồi dương thông mạch, đồng thời có tác dụng cầm máu, chỉ ho.

Đơn thuốc có vị can khương

Tỳ vị hư yếu, ăn uống kém, những người này dễ bị thương phong khó tiêu, yếu đuối: Can khương tán bột ra 4 lượng kẹo mạch nha, xắt lát rửa qua nấu cho tan ra, viên bằng hạt ngô đồng, uống lúc đói với cơm, ngày 30 viên.

Oẹ mửa xoàng đầu do vị hàn Sinh đàm: Bào khương 2 chỉ rưỡi. Chích thảo 1 chỉ 2 phân. Dùng 1 chén rưỡi nước sắc còn phân nửa uống.

Trúng hàn ỉa chảy: Bào khương tán bột ăn với cháo lần 2 chỉ.

Huyết lỵ không cầm: Can khương đốt cháy tồn tính để nguội tán bột lần uống 1 chỉ với nước cơm.

Sốt rét có tỳ hàn: Can khương sao đen tán bột khi cần dùng uống 3 chỉ với rượu nóng. Dùng Can khương, Tử tô, Quế chi, có thể ấm bên trong mà làm cho ra mồ hôi, gia thêm Truật thì có thể đuổi phong thấp.

Ho xốc tức ngực: Can khương sống với Quất bì, Ô dước, Bạch đậu khấu.

Sốt rét có đàm (Đàm ngược) lâu ngày không lành: Can khương, Quất bì, Truật, Bối mấu, Phục linh.

Sốt rét do hàn (hàn ngược): Can khương, Nhân sâm, Truật, Quế chi, Quất bì.

Trị ỉa chảy, đau bụng sườn do lạnh: Can khương, Cao lương khương, các vị bằng nhau tán bột làm viên, mỗi lần uống 3-6g với nước nóng (Nhị Khương Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị nôn mửa do hàn ẩm: Bán hạ 9g, Can khương 6g, tán bột, mỗi lần uống 3-6g với nước nóng (Bán Hạ Can Khương Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị phụ nữ băng huyết: Can khương 6g, Tông bì, Ô mai đều 9g, tất cả đốt cháy đen tán bột uống (Như Thánh Tán- Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị mửa ra máu không cầm thuộc hư hàn: Khương thán (gừng đốt cháy), Cam thảo đều 6g, sắc uống với nước tiểu trẻ con (Can Khương Cam Thảo Thang – (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị hàn ẩm phạm Phế, khí suyễn, ho: Phục linh 9g, Cam thảo, Ngũ vị tử, Can khương đều 3g, Tế tân 1,5g (Linh Cam Ngũ Vị Tân Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tham khảo thêm về can khương

Can khương và Phụ tử đều có tác dụng ôn dương khử hàn. Nhưng Can khương thuộc về ôn Tỳ dương trị lạnh tay chân, quyết nghịch. Trường hợp âm hàn nội thịnh, Tỳ Thận dương đều hư thì cả 2 vị có thể cùng dùng một lúc (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Hắc khương

Gừng khô xắt lát đầy sao cháy đen tồn tính (80%) gọi là Hắc khương hay Khương tán có tác dụng cầm máu, mửa ra máu, lỵ ra máu.

  • Hắc khương dùng với thuốc bổ âm thì nó đem được huyết vào khí Phận, những chứng huyết hư phát sốt và chứng nóng lạnh vì bệnh huyết sau khi sinh có khi hay dùng đến Hắc khương.

Cách chế ngày xưa như sau: Đem gừng sống ngâm nước 3 ngày bỏ một lần vỏ rồi đem để ở dòng nước chảy 6 ngày, bỏ một lần vỏ nữa lại đem phơi cho khô, dùng chỗ sàn mà đồ trong 3 ngày, hễ thấy Gừng sống biến thành màu tím là được. Có khi người ta đem Can khương tẩm nước tiểu trẻ con rồi cũng sao như Bào khương nhưng kỷ hơn một chút khi nào thấy đen là được.

Bào khương

Gừng khô ngâm nước rửa sạch để khô đổ nước vào nồi đất hun lửa nhỏ và quấy đều chừng nửa ngày, hễ thấy củ Can khương đều nhẹ đi là được gọi là Bào khương

  • Vị nó hơi đăng mà tính lại đứng yến một chỗ khác với Sinh khương, Bào khương có tác dụng ôn được tỳ vị, trị những chứng bên trong bị hàn tà, ứ nước, hoắc loạn, sốt rét lâu ngày, đau ngực lạnh bụng, tức đầy, lạnh hạ tiêu, dương khí của thận suy, mạch muốn tuyệt, những chứng này dùng Bào khương gia thêm Phụ tử giúp sức thì rất công hiệu.

Thượng tiêu

Gừng khô xắt lát dầy, sao ném vàng, còn đang nóng rảy ít nước vào rồi đậy kín ngay để nguội lấy dùng gọi là Thượng tiêu.

Can kinh khương

Gừng đồ lên để nguyên cả vỏ phơi khô gọi là Can kinh khương trị chứng tỳ vị hàn thấp. Gừng cạo vỏ đi nhưng chưa đồ chưa bào, màu trắng vị rất cay gọi là Bạch khương, Thục khương trị chứng phế và vị hàn.

Kiêng kỵ:

  • Can khương vị đại cay, người âm hư có nhiệt, có thai không nên dùng. Vì cay nên tán khi tẩu huyết, uống lâu tổn hại tới phần âm, thương tổn mắt.
  • Ngoài ra những chứng âm hư nội nhiệt, ho do âm hư, mửa ra máu kèm biểu hư có nhiệt, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, ỉa ra máu, mửa do nhiệt, đau bụng do hỏa nhiệt, đều cấm dùng.
  • Vị này ghét Hoàng cầm, Hoàng liên, Dạ minh sa, Tần tiêu làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Sơ).

TS Đỗ Tất Lợi

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cây Hồng xiêm

Cây Hồng xiêm

Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024

Cây Hồng xiêm

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Gừng vàng

Gừng vàng

Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024

Gừng vàng

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Cây thuốc quanh ta - 19/01/2024

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Cây thuốc quanh ta - 04/01/2024

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới