Cỏ gấu, loại thuốc quý từ cỏ dại
Cỏ gấu một loại cỏ dại, rất khó tiêu diệt, một “kẻ thù” hết sức nguy hại của nhà nông. Thế nhưng thân rễ của loài cỏ dại ấy lại là một vị thuốc có rất nhiều tác dụng dược lý, có thể sử dụng để dự phòng và chữa trị nhiều loại bệnh tật.
Cỏ gấu còn có tên cỏ cú, sa thảo, hương phụ, hương phụ tử, thủy tam lăng, tước đầu hương, lôi công đầu… Tên khoa học là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói -Cyperaccae.
Vị thuốc hương phụ, thường gọi là củ gấu, là thân rễ - Rhizoma Cyperi - phơi hay sấy khô của cây cỏ gấu. Hương phụ còn khai thác từ củ của cây hương phụ biển (hải hương phụ -Cyperus stoloniferus Retz), mọc nhiều ở bãi cát gần biển..
- Đặc điểm: Cỏ gấu là một loại cỏ sống lâu năm, cao 20-60cm. Lá nhỏ hẹp, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây. Thân rễ phát triển, phình to ra như củ. Vào tháng 6, trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán, màu xám nâu; hoa lưỡng tính, 3 nhị dài chừng 2mm, nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ. Quả 3 cạnh màu xám.
- Phân bố và thu hái: Cỏ gấu mọc hoang ở khắp nơi trên đồng ruộng, ven đường. Tại ven biển, đất cát xốp củ to hơn, dễ đào hơn. Đối với nhà nông, đây là một loại cỏ rất khó tiêu diệt; Chỉ cần sót lại một mẩu thân rễ nhỏ, thế là cũng đủ phát triển thành một cây mới.
Thu hoạch củ gấu hiện nay chỉ mới dựa vào nguồn mọc hoang thiên nhiên; không ai trồng. Có thể kết hợp với việc làm cỏ vườn, ruộng để thu hoạch hay có thể tổ chức thu hái riêng. Thường hay đào về mùa xuân, nhưng đào về mùa thu củ chắc và tốt hơn.
Sau khi đào toàn cây, người ta phơi cho khô, vun thành đống để đốt, lá và rễ con cháy hết, còn lại củ lấy riêng rửa sạch, phơi hay sấy khô. Củ gấu thu hoạch như vậy gọi là “sinh hương phụ”, nghĩa là hương phụ sống.
TÁC DỤNG THEO ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN
Cỏ gấu được sử dụng làm thuốc từ cách đây đã hơn 1500 năm. Ban đầu, loài cỏ này được ghi chép trong bộ sách “Danh y biệt lục”, của Đào Hoằng Cảnh với tên là “sa thảo”. Do thân rễ phình to như củ của nó được sử dụng làm thuốc, nên thường gọi là “hương phụ tử”.
Hương phụ được các thầy thuốc ở Trung Hoa thời xưa tôn vinh là “Khí bệnh chi tổng tư, nữ khoa chi chủ soái”, nghĩa là tổng tư lệnh của các bệnh về khí, chủ soái của các bệnh phụ nữ. Còn các nhà đông y ở nước ta thời xưa thường truyền nhau câu: "Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ" có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu được vị trần bì, còn chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị hương phụ.
Theo Đông y, hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt, vào 3 kinh: Túc quyết âm can, Túc thái âm tỳ và Thủ thiếu dương Tam tiêu.
Có tác dụng sơ can giải uất, điều kinh chỉ thống, lý khí điều trung. Chủ trị đau mạng sườn, đau bụng, kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng, vú trướng đau do can uất, khí trệ.
Hiện tại trên lâm sàng thường dùng chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở; đau dạ dày do thần kinh, viêm gan, viêm túi mật, …
Liều dùng hàng ngày từ 8-20g.
Kiêng kỵ: Người âm hư huyết nhiệt, phụ nữ có kinh trước kỳ thuộc tạng nhiệt không dùng được.
Trong Đông y truyền thống, hương phụ sau khi chế biến phức tạp rồi mới dùng. Hương phụ có thể bào chế theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là “tứ chế” và “thất chế”. Tứ chế và thất chế cũng lại có nhiều cách làm khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp hay dùng nhất:
Tứ chế: Cân 1 kilôgam hương phụ, chia làm 4 phần: một phần (250g) ngâm với 200ml giấm (có độ acid 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh, bỏ phần đầu và phần cuối, chỉ lấy phần giữa), một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa : 1 ngày 1 đêm nếu là mùa hè, 3 ngày 3 đêm nếu là mùa thu, 7 ngày 7 đêm nếu là mùa đông. Cuối cùng lấy ra sao hay phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau. Theo lý luận đông y, ngâm giấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ.
Thất chế: Là làm như trên (tứ chế) nhưng thêm 3 lần tẩm nữa, như tẩm với nước gừng, tẩm nước cam thảo, tẩm nước vo gạo. Nghĩa là tẩm với 7 thứ.
Trên thực tế còn nhiều cách chế biến rất phức tạp và thay đổi tùy theo sáng kiến của thầy thuốc. Cho nên khi dùng, cũng như khi nghiên cứu cần biết dùng loại hương phụ nào.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Y học hiện đại đã phát hiện thêm một số tác dụng dược lý mới của vị hương phụ.
- Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương
- Tăng cường tác dụng của Pentobarbital sodium:
Kết quả nghiên cứu của Lưu Quốc Khanh cho thấy: Tiêm phúc mạc tinh dầu hương phụ với các liều 0,03 ml/kg, 0,06 ml/kg và 0,10ml/kg (tương ứng 1/10, 1/5 và 1/3 liều độc LD50); Sau 30 phút, tiêm 20mg/kg Pentobarbital sodium (liều dưới ngưỡng) cho các nhóm chuột, kết quả quan sát cho thấy: Tinh dầu hương phụ, với liều lượng khác nhau, có tác dụng tăng cường tác dụng gây ngủ của Pentobarbital sodium (P < 0,01)
- Tác dụng gây mê:: Tiêm tinh dầu hương phụ với liều 0,035 không có tác dụng gây mê, có thể kéo dài rõ ràng thời gian gây mê của Scopolamine, nhưng không ảnh hưởng đến độ sâu gây mê. Đối với thỏ bình thường, truyền từ từ tinh dầu củ gấu vào tĩnh mạch, với liều lượng 0,050mg/kg, 0,075mg/kg và 0,100mg/kg, thời gian gây mê tương ứng là 9,0, 15,0 và 28,5 phút. Sau khi tiêm thuốc, phản xạ định vị không gian (righting reflex) của thỏ ở các nhóm thí nghiệm đều biến mất nhanh chóng. Thỏ trong nhóm tiêm 0,050mg/kg phản ứng đau và phản xạ giác mạc không nhạy bén, phản ứng nghe vẫn tồn tại; trong hai nhóm còn lại phản ứng đau và phản xạ giác mạc đều biến mất, phản ứng nghe vẫn tồn tại. Trong tất cả các nhóm, đều có hiện tượng chân cứng đơ, khoảng 3 phút sau thì hết - (Trung Hoa Bản thảo).
- Giảm đau: Triterpenes chiết xuất từ hương phụ có tácdụng giảm đau, khi cho chuột nhắt uống tác dụng giảm đau tương đương với acetylsalicylic acid; nếu đưa thuốc bằng đường tiêm thì tác dụng mạnh hơn; α-cyperone cũng là một trong những thành phần có tác dụng giảm đau của hương phụ - (Thường dụng trung thảo dược lâm sàng tân dụng).
- Tác dụng đối với tim mạch
Theo kết quả nghiên cứu của Akperbekova B.A, nhà khoa học Liên Xô cũ: Chiết xuất nước, hoặc nước - cồn từ hương phụ, khi sử dụng nồng độ cao tiêm dưới da cho ếch, có tác dụng làm tim ếch ngừng đập ở kỳ tâm thu. Khi sử dụng ở nồng độ thấp, đối với tim li thể (cô lập) và tại thể của ếch, thỏ và mèo thí nghiệm, có tác dụng làm mạnh tim và làm nhịp tim chậm lại. Dung dịch nước của alcaloids toàn phần, glucosides, flavonoids và phenol trong hương phụ, đều có tác dụng làm mạnh tim và làm nhịp tim chậm lại, đồng thời làm huyết áp giảm xuống.
Singh N dùng chiết xuất cồn từ hương phụ, tiêm tĩnh mạch cho chó đã gây mê với liều 20mg/kg, thấy huyết áp hạ xuống từ từ và kéo dài 0,5 - 1 giờ. Chiết xuất cồn không ảnh hưởng đến tác dụng đối với huyết áp của adrenalin và acetycholine, nhưng làm giảm một phần tác dụng của histamine.
Lưu Quốc Khanh đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của tinh dầu hương phụ đến huyết áp của mèo thí nghiệm. Dùng chloralose 80mg/kg gây mê cho mèo và tiến hành đo huyết áp ở động mạch cổ. Tiêm tĩnh mạch tinh dầu hương phụ 0,1ml/kg cho mèo đã gây mê, sau 15 giây huyết áp bắt đầu hạ, sau 150 giây huyết áp hạ xuống thấp hơn 10,7 - 13,3kPa so với huyết áp, bình thường, sau 5 phút huyết áp bắt đầu tăng lên, sau 8 phút huyết áp trở lại mức bình thường - (Trung Hoa Bản thảo).
- Tác dụng đối với hệ tiêu hóa
Thí nghiệm ngoài cơ thể cho thấy, tinh dầu hương phụ ở nồng độ thấp, có tác dụng ức chế sự co bóp của ruột cô lập ở thỏ. Chất cyperone chiết xuất từ hương phụ có tác dụng ức chế sự co bóp do acetycholine gây nên. Chất α-cyperone có tác dụng ức chế mạnh nhất đối với sự co bóp của hồi tràng ở chuột lang. Nước sắc hương phụ có tác dụng lợi mật, xúc tiến tiết mật, tăng lưu lượng dịch mật ở chuột cống bình thường, đồng thời có tác dụng bảo vệ chức năng của tế bào gan bị tổn thương do CCl4 gây nên ở chuột cống - (Trung Hoa Bản thảo).
- Tác dụng đối với tử cung
Cao lỏng hương phụ 5%, thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều có tác dụng nới lỏng (tùng trì) cơ trơn tử cung, làm giảm sức co bóp tử cung, làm giảm trương lực cơ. Trên tử cung có chửa cũng như trên tử cung bình thường, cao hương phụ đều có tác dụng ức chế. So với đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của củ gấu yếu hơn - (Thường dụng trung thảo dược lâm sàng tân dụng).
- Tác dụng như nội tiết tố nữ
Thành phần tinh dầu từ củ gấu có tác dụng kiểu estrogen, nhưng không mạnh. Tiêm dưới da hoặc đưa thuốc vào âm đạo, có thể xuất hiện hiện tượng tế bào thượng bì của âm đạo keratin hóa (keratinnization) hoàn toàn. Trong các thành phần của tinh dầu, cyperene là chất có tác dụng mạnh nhất. Tác dụng kiểu nội tiết tố nữ, có thể là một trong những căn cứ để sử dụng hương phụ làm thuốc điều hòa kinh nguyệt - (Thường dụng trung thảo dược lâm sàng tân dụng).
- Tác dụng kháng khuẩn và chống viêm
Kết quả thí nghiệm ngoài cơ thể cho thấy, tinh dầu hương phụ có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn vàng, đối với trực khuẩn lị cũng có tác dụng. Thành phần có tính kháng khuẩn trong hương phụ là cyperene I và II. Chiết xuất từ hương phụ còn có tác dụng ức chế đối với đối với nấm.
Singh N thông báo, tiêm ổ bụng 100mg/kg chiết xuất cồn từ hương phụ, có tác dụng ức chế rõ ràng đối với viêm bàn chân ở chuột cống, do carrageenan và formaldehyde gây nên. Tác dụng này mạnh hơn tác dụng của hydrocortisone 5-10mg/kg. Nghiên cứu của Gupta M.B chứng minh, thành phần kháng viêm trong củ gấu là các hợp chất triterpenes. Tỷ lệ tác dụng giữa thuốc bơm vào dạ dày và tiêm ổ bụng là 1:3, chứng tỏ khi đưa thuốc theo đường tiêu hóa, chỉ có một bộ phận được hấp thu - (Trung Hoa Bản thảo).
- Độc tính
Độc tính của hương phụ tương đối thấp. Trong thức ăn của chuột cống, khi trộn thêm lượng hương phụ không quá 25%, chuột có thể chịu đựng; khi lượng hương phụ lên đến 30%- 50%, sự sinh trưởng bắt đầu bị ức chế ở mức độ nhất định.
Liều độc LD50 của dịch chiết cồn từ hương phụ, khi tiêm ổ bụng cho chuột nhắt là 1500mg/kg.
Liều độc LD50 của hợp chất triterpenes trong hương phụ, khi tiêm ổ bụng cho chuột nhắt là 50mg/kg.
Liều độc LD50 của tinh dầu trong hương phụ, là 0,279 ± 0,019 ml/kg.
MỘT VÀI ỨNG DỤNG MỚI
- Viêm mạch bạch huyết
Dùng hương phụ 30g, sấy khô, nghiền thành bột mịn, cho vào lọ nút kín để bảo quản. Ngày uống 1 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng hoàng tửu (rượu trắng độ cồn thấp), nếu không uống được rượu có thể chiêu thuốc bằng nước ấm. Uống trước hay sau bữa ăn đều đươc, uống xong đắp chăn cho ra mồ hôi thì tác dụng càng tốt. Theo “Thượng Hải trung y dược tạp chí 1983:6”: Trường hợp bệnh nhẹ uống 1 lần là khỏi, bệnh nặng uống 1-3 lần là khỏi. Sau vài ngày nếu tái phát, lại uống như trên, uống như vậy vài lần sẽ không còn tái phát.
- Đau dạ dày
Dùng hương phụ chế 120g, cao lương khương 90g. Các vị thuốc sấy khô, nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, sáng và chiều, mỗi lần 3g. Thử nghiệm chữa 30 ca đau dạ dày thể co thắt, kết quả 80%. Đối với trường hợp đau dạ dày do ung thư, tác dụng tương đối tốt. Nếu dùng thêm 2,5g hồng hoa, hãm nước sôi như pha trà cùng uống, tác dụng càng tốt - (Thảo mộc liệu pháp).
- An thai.
Dùng hương phụ, sao cho cháy hết lông, nghiền thành bột mịn. Ngày uống 1 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước ấm - (Nhất vị trung dược trị ngoan tật)
- Thiên đầu thống (đau nửa đầu).
Hương phụ tẩm giấm sao - 2 phần, xuyên khung - 1 phần; tất cả đem nghiền mịn, trộn đều; ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g bột thuốc - (Nhất vị trung dược trị ngoan tật)
- Đau lưng
Dùng bột sinh hương phụ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g, chiêu bằng nước đun sôi để nguội - (Thường dụng trung thảo dược lâm sàng tân dụng)
- Mụn cơm
- Mụn cơm phẳng (verruca plana): Dùng hương phụ 20 hạt, rửa sạch, nghiền nhỏ, trộn với 1 quả trứng gà hoặc trứng vịt, thêm vài hạt muối, dùng dầu rán chín, cách 1 ngày hoặc 2 ngày ăn 1 lần, mỗi liệu trình ăn 5-8 lần. Trẻ nhỏ giảm bớt liều lượng, phụ nữ có thai không sử dụng. Thử nghiệm điều trị 14 ca, 10 trường hợp khỏi bệnh sau 2-5 lần ăn; 2 trường hợp bệnh giảm nhẹ sau 6-8 lần ăn, 2 trường hợp ăn 8 lần không thấy kết quả. Không thấy có tác dụng phụ gì cả.
- Mụn cơm thường (verruca vulgaris): Dùng Hương phụ, ô mai, mộc tặc thảo, mỗi thứ 30g, sắc nước hai lần, bỏ bã lấy 300ml, chờ bớt nóng, dùng khăn thấm nước đắp lên chỗ bị bệnh, ngày 2-3 lần, mỗi lần 20-30 phút - (Nhất vị trung dược trị ngoan tật).
Lương y Đỗ Tất Hùng - TC Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây Hồng xiêm
Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024
Cây Hồng xiêm
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Gừng vàng
Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024
Gừng vàng