Hai vấn đề trên đã được Chủ tịch BBC Richard Sharp đặt ra tại 1 sự kiện mới đây khi ông lên tiếng kêu gọi ban hành quy định mới nhằm chấm dứt “đại dịch thông tin” Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị của Hiệp hội Truyền hình Hoàng gia (RTS) diễn ra ở thành phố Cambridge ngày 15/9, ông Sharp, người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Hội đồng BBC từ tháng 2, cho rằng, Luật Truyền thông 2003 cần được cập nhật bởi nó ra đời trước Facebook và các mạng xã hội khác, và hiện đã không còn phù hợp nữa.
Ngày càng có nhiều quan ngại về tác động của thông tin sai lệch và “tin giả” lan truyền trên mạng xã hội trong thời buổi dịch Covid-19. Trong 1 bài đăng trên Twitter tuần này, ca sĩ nhạc pop Nicki Minaj khẳng định cô biết 1 người đàn ông bị bất lực sau khi tiêm vaccine. Phát ngôn này khiến Giám đốc y tế xứ Anh Chris Whitty phải lên tiếng rằng, việc chia sẻ những “điều hoang đường” như vậy sẽ chỉ mang lại cho người ta niềm tin mà họ không cần thiết.
Ngày hôm qua (15/9), tờ Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) đã công bố các tài liệu nội bộ của công ty Facebook cho thấy việc sử dụng nền tảng mạng xã hội Instagram thuộc sở hữu của công ty này có liên quan đến các suy nghĩ tự tử ở các cô gái trẻ.
“Có những câu hỏi cấp bách cần được giải đáp về thế giới truyền thông tương lai mà chúng ta muốn sống,” ông Sharp nhấn mạnh. Ông nói thêm rằng, “các môi trường truyền thông khép kín” đã tạo điều kiện cho các thuyết âm mưu và lời nói dối lan truyền nhanh hơn bao giờ hết.
“Chúng ta cần xem xét lại môi trường pháp lý ở đất nước này và cần phải thay thế Luật Truyền thông 2003 - 1 đạo luật ra đời trước Facebook - bằng 1 luật mới có thể cho thấy 1 tầm nhìn rõ ràng,” Chủ tịch BBC chia sẻ.
Ông Sharp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nhìn thẳng vào những nơi mà ở đó, thế giới số đi ngược lại các quyền, tự do và riêng tư cơ bản mà mọi người đã cam kết với tư cách là tổ chức hay cá nhân.
“Đã đến lúc thiết lập các quyền, sự bảo vệ và sự giáo dục để bảo đảm an toàn cho môi trường truyền thông của chúng ta cũng như bảo đảm sự ổn định của các xã hội và các nền dân chủ về lâu dài trong tương lai,” ông khẳng định.
Ông Sharp đã chỉ ra những hậu quả thực tế của nạn “tin giả” như tỷ lệ bao phủ vaccine thấp và các cột phát sóng di động 5G bị đốt cháy.
“Ở một môi trường mà các thuyết âm mưu này cứ lặp đi lặp lại trong những buồng dội âm riêng tư, theo 1 vài cách nào đó, Covid-19 đã tạo điều kiện hoàn hảo để chúng trỗi dậy trở thành xu hướng chủ đạo - được “nuôi dưỡng” bởi các thuật toán tuyệt vời trong việc nhận ra nguy cơ lan truyền song lại không giỏi trong việc phát hiện những điều nhảm nhí, vô nghĩa,” ông nói.
“Không thể phủ nhận rằng, sự lây lan đồng thời của dịch bệnh và “đại dịch thông tin” đã khiến tất cả chúng ta và xã hội trở nên dễ bị tổn thương. Không những vậy, điều đó còn cho thấy một số người dễ bị tổn thương hơn những người khác.”
“Sức hút từ các thuyết âm mưu trong các xã hội ngày nay của chúng ta đang ngày càng trở nên mạnh hơn,” ông Sharp nói.
BBC hiện đang tham gia vào ‘Sáng kiến Tin tức đáng tin cậy’ cùng với các đối tác gồm AP, AFP, Facebook, Google/YouTube, Reuters và Twitter. Mặc dù được phát động trước khi đại dịch bùng phát, nhưng sáng kiến này hiện tập trung vào vấn đề thông tin sai lệch về Covid-19 và vaccine. Theo đó, các nhà xuất bản và các nền tảng công nghệ đưa ra lời cảnh báo tới các đối tác khác về những bài đăng có khả năng lan truyền và gây tác hại nghiêm trọng.
Trong lời kêu gọi về việc cập nhật pháp luật liên quan, ông Sharp nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động hợp tác liên ngành này, song cũng khẳng định “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Ông nói thêm rằng, việc đạt được sự công bằng ngay tại BBC sẽ mang lại cho công ty “cơ hội để định nghĩa chính mình trên toàn cầu như 1 nhà cung cấp thông tin thực tế hàng đầu trong kỷ nguyên của thông tin sai lệch.”