Vaccine bại liệt giữa bão tin giả

Khi WHO vừa công bố quét sạch virus bại liệt ở châu Phi sau nỗ lực nhiều chục năm, một cơn bão từ phe chống vaccine nổi lên.

Cuối tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố virus bại liệt hoang dã ở châu Phi đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một phiên bản của căn bệnh gọi là bại liệt có nguồn gốc vaccine, xảy ra trong một số trường hợp hiếm, khi virus từ các liều tiêm đột biến và hoạt động khi đưa vào cơ thể người. Các chuyên gia nhận định tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và điều kiện vệ sinh kém.

Chỉ hai ngày sau thông báo của WHO, Liên Hợp Quốc xác nhận hơn 10 trường hợp mắc bệnh bại liệt có nguồn gốc vaccine, xuất hiện ở 9 bang tại Sudan. Đợt bùng phát kéo theo loại "bệnh dịch" khác: thuyết âm mưu và tin đồn sai lệch về vaccine lan truyền trên mạng xã hội.

Các nhóm phản đối tiêm chủng đã nhanh chóng đưa tin về đợt dịch Sudan với giọng điệu giễu cợt. Bài đăng có tiêu đề "một trong những bê bối về sức khỏe cộng đồng lớn nhất thập kỷ" chỉ trích WHO và Quỹ từ thiện Bill-Melinda Gates. Họ đổ lỗi "vaccine do Gates tài trợ" là nguyên nhân gây ra dịch. Bài viết được chia sẻ hơn 8.000 lần trong các nhóm cộng đồng, từ Mỹ, Canada đến Colombia. Thậm chí nó còn được dịch sang tiếng Pháp để lan truyền tại châu Âu.

Dù vậy, tác giả không đề cập đến các trường hợp nhiễm bệnh khi chưa được chủng ngừa, người bệnh nhiễm virus không bắt nguồn từ vaccine.

Trẻ em châu Âu được uống vaccine bại liệt. Ảnh: European Pressphoto Agency
Trẻ em châu Âu được uống vaccine bại liệt. Ảnh: European Pressphoto Agency

Bill Gates, người đầu tư hàng tỷ USD sản xuất vaccine chống bại liệt, sốt rét và HIV, từ lâu là mục tiêu tấn công của các nhóm tẩy chay vaccine. Nhiều thuyết âm mưu cáo buộc ông kiếm lời từ chương trình tiêm chủng, thậm chí có người cho rằng ông sử dụng vaccine để thao túng, gây hại cho cộng đồng.

Tháng 4 năm nay, hàng chục nghìn tài khoản Facebook đã chia sẻ thông tin sai sự thật rằng vaccine của Quỹ Bill & Melinda Gates khiến 490.000 trẻ em Ấn Độ bị liệt. Tuyên bố bắt nguồn từ một luận điểm trong bài đăng của Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Kennedy viết trên trang cá nhân: "Các bác sĩ Ấn Độ quy trách nhiệm cho dự án của Bill Gates khi một đợt dịch bại liệt nguồn gốc vaccine khiến 496.000 trẻ em bị tê liệt, kể từ năm 2000 đến năm 2017".

Phát biểu này đã được sao chép và đăng tải lại trên Facebook.

Thực tế, Ấn Độ chính thức tuyên bố sạch bóng bại liệt vào năm 2014. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy gần nửa triệu trẻ em nước này nhiễm virus. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn 2000-2017, quốc gia chỉ ghi nhận 17 ca mắc bại liệt có nguồn gốc vaccine.

Bài báo được viết bởi chính Kennedy Jr., xuất bản sau đó không lâu, cũng có điểm khác biệt so với phát biểu của ông trên trang cá nhân: "Các bác sĩ Ấn Độ quy trách nhiệm cho chiến dịch của Bill Gates khi một đợt dịch liệt mềm cấp tính khiến 490.000 trẻ em bị tê liệt, kể từ năm 2000 đến năm 2017".

Liệt mềm cấp tính có triệu chứng giống bại liệt, song không phải do virus này gây ra. Bài báo có trích dẫn nghiên cứu năm 2018, cho thấy mối liên hệ giữa căn bệnh và đợt tiêm chủng vaccine của Quỹ Bill & Melinda Gates.

Nghiên cứu sau đó đã hứng nhiều chỉ trích vì phương pháp luận của nó. Triệu chứng liệt mềm biểu hiện ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Trong khi chiến dịch vaccine bại liệt tập trung vào trẻ dưới 5 tuổi.

Khi được hỏi về cáo buộc nêu trên, Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết: "Những tuyên bố này là sai sự thật. Virus bại liệt chỉ là một trong nhiều lý do trẻ phát triển chứng liệt mềm cấp tính".

Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi cũng nhấn mạnh: "Ở những khu vực nơi bại liệt đã bị đẩy lùi, các trường hợp liệt mềm thường bắt nguồn từ nguyên nhân khác".

Hội chống vaccine biểu tình bên ngoài trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tháng 7/2019. Ảnh: NY Times
Hội chống vaccine biểu tình bên ngoài trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tháng 7/2019. Ảnh: NY Times

Tháng trước, một đoạn video lan truyền trên You Tube khẳng định tỷ phú Mỹ muốn tiêm chủng ép buộc để "diệt chủng" người châu Phi. Đáp trả các tin đồn thất thiệt, Bill Gates cho biết đây là "sự kết hợp tồi tệ giữa đại dịch, mạng xã hội và những con người chỉ thích tìm đến lời giải thích đơn giản".

Theo WHO, 1.271 người trên thế giới mắc bại liệt có nguồn gốc vaccine trong thập kỷ qua. Bệnh thường lây lan từ đường nước thải tại các hộ dân cư.

Oliver Rosenbauer, phát ngôn viên chương trình xóa sổ bại liệt của WHO, cho biết phơi nhiễm có thể tạo miễn dịch thụ động cho nhiều trẻ em. Song điều này cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở các nước có tỷ lệ chủng ngừa thấp.

"Vấn đề nảy sinh ở những cộng đồng ít người tiêm phòng, bởi virus có thể tiếp tục lây lan, tìm đến những em nhỏ nhạy cảm chưa được tiêm vaccine. Theo thời gian, nó sẽ đột biến thành chủng có độc lực khá mạnh", ông nói.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã cảnh báo số ca bại liệt do vaccine có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2019, tổ chức ghi nhận 360 trường hợp,cao hơn nhiều so với 104 trường hợp vào năm 2018.

Đến nay, 16 quốc gia trên khắp châu Phi đã xuất hiện dịch bại liệt. Song Richard Mihigo, người đứng đầu chương trình tiêm chủng và vaccine của WHO trong khu vực cho biết tổ chức đã phát triển thành công liều chủng ngừa "không thể gây đột biến gene". Ông tuyên bố vaccine dạng uống "có cấu trúc ổn định hơn", sẽ được ra mắt vào cuối tháng này.

Thục Linh (Theo AFP)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới