Chăm lo sức khỏe sĩ tử thế nào mùa nắng nóng, dịch bệnh?
Thời điểm này, hàng triệu sĩ tử trên cả nước đang miệt mài ôn luyện để sẵn sàng bước vào các kỳ thi đầy cam go. Dịch bệnh Covid-19 cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của các sĩ tử.
Tưởng bổ lại hóa hại con
Gần 1 tháng nay, khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát cũng là lúc chị Nguyễn Mai Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận lệnh từ lãnh đạo cơ quan khuyến khích làm việc ở nhà. Với chị, lịch làm việc mới lại giúp chị tranh thủ cơm nước, bày vẽ các món tẩm bổ cho cậu con lớn năm nay thi vào lớp 10.
Chị Trang cho hay, cũng vì dịch bệnh nên lịch học, ôn tập rồi thi thử của con toàn bộ là online, hầu như phủ kín cả tuần với lịch học mỗi ngày từ 7h30 đến tối mịt.
Thương con nên có nhiều bữa chị mang tận bàn học cho con vừa ăn vừa học bên máy tính. Nghe bạn bè rồi tự tìm hiểu, cứ món gì bổ chị đều tha về nấu nướng phục vụ con. Nhiều bữa con ăn ít, chị lại nài nỉ, bắt ép để còn đủ sức học.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam”
Ở giai đoạn nước rút ôn luyện chuẩn bị bước vào kỳ thi đầy căng thẳng, nhiều bà mẹ cũng như chị Trang đều có chung tâm lý mong muốn “tẩm bổ để con có sức khỏe tốt”. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, điều này chưa hẳn đã tốt cho con.
“Áp lực bài vở cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều sĩ tử nghĩ rằng càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả. Bên cạnh đó, quan niệm “ăn đồ càng bổ càng tốt” của các bà mẹ khi chăm sóc con thậm chí còn gây tác dụng ngược khiến các em thêm mệt mỏi vì khó tiêu bởi các món ăn “chất” quá”, ông Hưng nói.
Theo BS. Hưng, nhu cầu năng lượng của các sĩ tử mùa thi cao gấp nhiều lần so với người lớn bởi các em cần năng lượng để phát triển thể chất và trí não. Trung bình một ngày, bộ não tiêu hao 400Kcalo, chiếm 1/5 năng lượng cơ thể.
Vì vậy, thực phẩm tốt cho trí não cần được ưu tiên. Đó là những thực phẩm rất phổ biến, không phải “sơn hào, hải vị” mà lại dễ mua, dễ chế biến như: Trứng, nấm, đậu phụ, cá, các loại rau màu xanh đậm, các loại hạt, sữa chua, hoa quả theo mùa… Đặc biệt lưu tâm bổ sung lượng nước cho cơ thể, không để khát mới uống nước.
Ngoài ra, điều quan trọng không kém đó là cách chế biến các món ăn sao cho thanh nhẹ, ít dầu mỡ giúp các sĩ tử vốn đã mệt mỏi với áp lực bài vở, lại thêm thời tiết nắng nóng đỡ “chán” ăn. Đặc biệt, cha mẹ không nên “ép” con ăn quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%.
“Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm. Gần đến ngày thi, các em không nên ăn các thức ăn lạ khó tiêu, nên tránh ăn thức ăn đường phố đến mức thấp nhất vì nguy cơ gây ngộ độc cao”, ông Hưng nhấn mạnh.
BS. Hưng cũng cho biết thêm: “Các mẹ cũng nên bỏ quan niệm ăn gì bổ nấy khi chế biến đồ ăn cho con. Bên cạnh đó, cũng không nên lựa chọn các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ não. Nên chăng có thể dùng thêm multivitamin để tăng sức đề kháng cho các sĩ tử trong ngày hè, dịch dã này”.
Cần vận động và ngủ, nghỉ khoa học
Theo ThS. BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, ngoài chế độ ăn uống khoa học, các sĩ tử cũng cần có thói quen sinh hoạt khoa học, ngủ nghỉ điều độ.
BS. Hải phân tích, cần tuân thủ theo nhịp sinh học, đó là ngủ thỏa mãn theo nhu cầu, ngủ càng sớm càng tốt, ngủ sớm sẽ thức dậy sớm. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.
Tương tự BS. Hưng khuyến cáo, sĩ tử không nên bỏ qua những vận động nhẹ trong những phút giải lao.
“Vướng dịch dã, không ít bà mẹ than thở, các con không có cơ hội được vận động, vui chơi bên ngoài. Thậm chí, có những sĩ tử cả ngày không dời khỏi bàn học vì áp lực bài vở. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý nhắc con, nghỉ ngơi, vận động sau mỗi 45 phút ngồi học. Đơn giản là đi lại nhẹ nhàng trong phòng hoặc tập vài động tác thể dục đơn giản. Hoạt động thể lực tuy không phải là “thức ăn bổ não” nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp tiêu hóa, máu lưu thông tốt, mang ôxy và dưỡng chất tới cho não nhiều”, ông Hưng chia sẻ.
Anh Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội