PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư trả lời:
Biếng ăn là triệu chứng có thể gặp ở các bé bình thường hoặc các bé bệnh lý.
Biếng ăn thường gặp ở trẻ đang giai đoạn mọc răng hoặc giai đoạn chuyển tiếp giữa các loại thức ăn, giai đoạn chuyển từ uống sữa sang ăn dặm, hoặc chuyển từ ăn tinh sang ăn thô hoặc chuyển từ dạng thức ăn nghiền nhỏ đến giai đoạn tự nhai…
Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé nếu cha mẹ nhận ra vấn đề để giải quyết.
Những trẻ bị bệnh (bất kỳ bệnh gì) đều dẫn đến tình trạng biếng ăn, đặc biệt là nhóm bệnh lý tiêu hóa.
Bệnh lý tiêu hóa không chỉ gây tổn thương đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sự bài tiết ra các ezym tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn.
Những trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, viêm dạ dày… đều có biểu hiện biếng ăn.
Đó là tình trạng bé ăn giảm hoặc ăn không hấp thu trong thời gian dài kèm theo các triệu chứng tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, thay vì tăng cân sẽ không tăng cân.
Trong nhi khoa, ngoài bệnh lý đường tiêu hóa thì các bệnh lý cấp tính như ho, sốt, viêm mũi họng hay các bệnh lý mạn tính như tim mạch, ung thư… đều ảnh hưởng đến sự ăn uống của trẻ và dẫn đến tình trạng biếng ăn kéo dài.
Ngoài ra, tình trạng biếng ăn còn có dấu hiệu kèm theo như da xanh, kèm theo sốt, ho…
Với trẻ biếng ăn sinh lý thì thường không có các triệu chứng đi kèm. Nhưng nếu biếng ăn kèm theo các dấu hiệu trên thì là biếng ăn bệnh lý.
Với những trẻ chỉ có triệu chứng biếng ăn nhưng xảy ra trong thời gian dài, cần phải có sự đánh giá của các bác sĩ nhi khoa để biết được đó là biếng ăn sinh lý hay bệnh lý.