Em bé đột biến gene đầu tiên được ghép thận

HÀ NỘI - Bé trai 11 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gene WT1, trở thành bệnh nhi đột biến gene đầu tiên được ghép thận thành công.

Bé là con đầu trong gia đình có hai anh em. Bé mổ tinh hoàn ẩn lúc 2 tuổi, phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp với niệu đạo tạo hình lúc 6 tuổi.

Từ khi phẫu thuật đến 9 tuổi, bé không có bất thường. Đầu năm 2018, thỉnh thoảng sau mỗi lần ngủ dậy, bé sưng hai mắt. Gia đình nghĩ là biểu hiện thông thường khi trẻ con khóc hoặc ngủ dậy nên đã không đưa đến bệnh viện khám.

Sau một thời gian, bé sưng mắt nhiều hơn, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng thận hư kháng thuốc, không đáp ứng với thuốc ức chế miễn dịch thông thường dẫn đến suy thận mạn. Đầu năm 2020, bé phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần một tuần tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhi ổn định sau ca ghép thận. Ảnh: Khánh Chi.
Bệnh nhi ổn định sau ca ghép thận. Ảnh: Khánh Chi.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng Khoa Thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nếu không được thay thế thận, bé phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Tuy nhiên chạy thận nhân tạo kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng bé. Bên cạnh đó, chạy thận nhân tạo tuần ba lần tại bệnh viện làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Bé không thể đến trường học hành vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi; ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình bệnh nhi do bố mẹ phải nghỉ việc đưa trẻ đi chạy thận.

Hội đồng Ghép thận của Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn để xem xét việc ghép thận cho bé. Tiên lượng kết quả ghép thận rất khác nhau trên trẻ hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gene và không đột biến gene. Hội đồng ghép thận đã chỉ định xét nghiệm phân tích gene (giải trình tự toàn bộ vùng gene biểu hiện) cho bé. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị hội chứng thận hư dẫn đến suy thận là do đột biến gene WT1.

Tiến sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa và Di truyền, cho biết gene WT1 là gene ức chế u Wilms (u nguyên bào thận), có vai trò trong quá trình biệt hóa tuyến sinh dục từ mầm sinh dục ban đầu từ trong thời kỳ bào thai. Gene WT1 cũng tham gia vào quá trình cấu tạo của thận. Đột biến của gene WT1 gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau, trong đó có bệnh hội chứng thận hư, dẫn đến suy thận.

Trẻ bị đột biến gene WT1 có nguy cơ cao tiến triển thành u Wilms (u nguyên bào thận) và ung thư tuyến sinh dục vì tuyến sinh dục không được biệt hóa hoàn chỉnh và bị loạn sản.

"Phát hiện đột biến gene có giá trị rất lớn trong điều trị cho trẻ bị hội chứng thận hư kháng thuốc, đặc biệt là trẻ có chỉ định ghép thận. Do đó, trẻ sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư kháng thuốc cần được làm xét nghiệm gene sớm", bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Nhóm hội chẩn đã quyết định phẫu thuật ghép thận cho bé, xác định rõ các yếu tố nguy cơ và cách thức phẫu thuật, gây mê, hồi sức cụ thể.

Các bác sĩ ghép thận cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ ghép thận cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 1/3, bệnh nhi được ghép thận từ người cho sống, ca phẫu thuật được tiến hành trong 8 tiếng đồng hồ. Đây là ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương đối với trẻ bị suy thận giai đoạn cuối do đột biến gene WT1 hiếm gặp.

Bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, đánh giá đây là một ca phẫu thuật ghép thận phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của ê kíp phẫu thuật và các chuyên khoa Nội tiết, Thận.

"Trước đây, những bệnh nhân từng ghép thận không cần phải cắt thận, nhưng đối với bé, kíp phẫu thuật đã cùng một lúc cắt hai thận và tinh hoàn (bị loạn sản) hai bên để tránh nguy cơ ung thư hóa thận và tuyến sinh dục do đột biến gene WT1, sau đó ghép thận mới cho bệnh nhân", bác sĩ Dũng nói.

Một khó khăn nữa là bệnh nhi đã bị vô niệu 2 năm nay nên bàng quang rất nhỏ, chỉ tương đương trẻ một tuổi. Niệu đạo đã tạo hình cũ rất khó khăn để đặt ống dẫn lưu theo dõi nước tiểu sau ghép. Tuy nhiên, sau nhiều giờ nỗ lực, ca phẫu thuật đã thành công.

Hiện, bé trai tạm thời ổn định và ăn uống bình thường, tiếp tục được theo dõi tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ được dùng hormone testoteron thay thế, giúp phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và nâng cao chất lượng sống.

Lê Nga 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Hướng dẫn nuôi dạy con - 10/04/2024

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 14/03/2024

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Hướng dẫn nuôi dạy con - 06/03/2024

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Hướng dẫn nuôi dạy con - 05/03/2024

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Hướng dẫn nuôi dạy con - 29/02/2024

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới