Mẹo giữ ấm và chăm sóc trẻ nhỏ khi trời lạnh

Chọn quần áo mỏng nhẹ thoáng khí và mặc theo nguyên tắc xếp 2-3 lớp cho trẻ; giữ nhà ấm, tránh ẩm bằng cách thông khí; bổ sung tỏi, rau củ quả trong chế độ ăn.
Ảnh minh họa - Mẹo giữ ấm và chăm sóc trẻ nhỏ khi trời lạnh
Ảnh minh họa - Mẹo giữ ấm và chăm sóc trẻ nhỏ khi trời lạnh

 

Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3 cho biết, hệ hô hấp của trẻ nhỏ so với người lớn chưa hoàn thiện như niêm mạc có nhiều mạch máu, hàng rào niêm mạc mũi kém, khả năng sát trùng của niêm dịch kém, lỗ mũi hẹp, khoang hầu nhỏ ngắn, do đó khi hít thở không khí khả năng lọc sạch kém và không được sưởi ấm đầy đủ... Do đó, khi thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị tổn thương sớm nhất và nhanh nhất do khả năng miễn dịch đang ở mức thấp và các cơ chế bảo vệ chưa hoàn thiện đầy đủ, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, niêm mạc thanh - khí - phế quản dễ bị phù nề, xuất tiết, biến dạng khi bệnh.

Dưới đây là một số mẹo giữ ấm và chế độ sinh hoạt, ăn uống để cho trẻ khỏe mạnh trong thời tiết giá lạnh, theo khuyến cáo của bác sĩ Yến Nhi.

Phương pháp quần áo "xếp lớp" khi đi ra ngoài: Mặc quần áo phù hợp sẽ giúp che chắn cho trẻ nhỏ khỏi cái lạnh giá buốt bên ngoài. Hãy chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng khí và mặc thành nhiều lớp thay vì chỉ mặc một lớp quần áo dày cộm, cồng kềnh. Ví dụ như chúng ta có thể mặc cho bé một chiếc áo lót dài tay bằng vải cottton, sau đó khoác thêm một lớp áo len mỏng và bên ngoài là một chiếc áo khoác phao.

Tuy nhiên đừng cố gắng mặc quá nhiều lớp (7-8 tầng) sẽ làm trẻ khó chịu, nóng, và ra mồ hôi khi mặc. Găng tay, khăn quàng cổ, tất dài, giày cao cổ, mũ len hoặc mũ lưỡi trai vừa vặn trùm lên mũ của áo khoác sẽ bảo vệ được đôi bàn tay, cổ, bàn chân, đầu và tai khỏi lạnh. Sau khi hoạt động ở ngoài vào, hãy kiểm tra bụng, bàn tay và chân của trẻ. Bàn tay, chân phải mát, không lạnh hoặc ấm; bụng trẻ phải ấm, không mát hoặc nóng. Nếu bụng, bàn tay/chân quá ấm điều đó nghĩa là chúng ta đã mặc quá nhiều cho trẻ; còn nếu bụng, bàn tay/chân lạnh thì hãy ủ ấm ngay và ghi nhớ lần sau mặc thêm lớp cho trẻ.

Ngôi nhà ấm nhưng không ẩm: Một số cha mẹ có thói quen đóng kín tất cả các cửa để giữ nhiệt độ trong phòng sẽ tạo điều kiện cho ẩm mốc và vi khuẩn sinh sôi, không tốt cho bé. Vì vậy, cần tạo luồng lưu thông không khí thích hợp ở trong nhà cũng như trong phòng các bé. Mở cửa sổ, cửa ra vào trong ít phút khi mặt trời chiếu sáng để không khí tươi mới có thể lưu thông khắp phòng, do ánh mặt trời là một tác nhân khử trùng tự nhiên và "rẻ" nhất. Nếu ngày nào đó không có mặt trời, bạn có thể mở cửa trong khoảng 10h-14h, khi mà nhiệt độ lên cao nhất trong ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng máy sưởi, máy hút ẩm không khí, máy lọc không khí để làm sạch, làm ấm và điều hòa độ ẩm không khí hít vào.

Đừng quên cho trẻ uống nước thường xuyên: Trẻ thường không có cảm giác thấy khát trong thời tiết giá lạnh, nhưng không đồng nghĩa là cơ thể của chúng đã đủ nước. Quần áo nhiều lớp, không khí khô lạnh làm da có xu hướng mất độ ẩm và trở nên nứt nẻ, khô ráp. Uống nước đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước trong mùa đông và bảo vệ hệ miễn dịch trước các tác nhân gây cảm lạnh. Vì vậy, hãy đảm bảo luôn có sẵn nước ấm để trẻ uống chia đều trong cả ngày, tránh tập trung uống một lượng lớn mỗi lần.

Thay đổi thời gian tắm: Nên cho trẻ tắm sớm bằng nước ấm, giảm bớt thời lượng tắm, không để trẻ ngâm mình dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước nóng quá lâu vì có thể sẽ gây mất độ ẩm tự nhiên của da. Sau khi tắm, nên bôi, mát xoa cho bé bằng các loại dầu dưỡng ẩm như dầu mè, dầu oliu, dầu hạnh nhân. Không nên vì quá lạnh mà không tắm cho trẻ trong 2-3 ngày, sẽ không đảm bảo vệ sinh cá nhân và dễ gây bệnh.

Hoạt động ngoài trời: Trời lạnh không đồng nghĩa trẻ phải đắp chăn ở trong nhà cả ngày. Để đảm bảo lượng vận động cần thiết hàng ngày, tăng cường thể lực và khả năng miễn dịch cần cho trẻ ra ngoài để vận động, thể dục. Trang bị quần áo đúng cách, tránh ra ngoài vào sáng sớm (lượng sương giá và nhiệt độ thấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ hô hấp của trẻ). Cho bé tham gia các hoạt động, trò chơi vào buổi chiều sớm (14h-16h), mang theo quần áo lót mỏng ở trong để thay cho trẻ sau khi vận động tránh mặc đồ ẩm kéo dài do ra mồ hôi.

Dinh dưỡng mùa lạnh: Chế độ ăn uống là điều quan trọng hàng đầu để tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ. Cần cân đối lượng đạm, dầu/mỡ, tinh bột, rau xanh... để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho cơ thể chống chọi với cái lạnh. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo, yến mạch, các loại đậu hạt, ngô, khoai... có thể nấu thành dạng súp, cháo, sữa hạt hoặc làm bánh để đảm bảo tăng cường độ làm ấm cơ thể.

Cần chú ý bổ sung thêm tỏi vào thực đơn do hiệu quả kháng virus của nó đã được chứng minh. Cà rốt, củ cải trắng, khoai lang, rau xanh các loại, táo, lựu, cam/quýt, trái cây ít đường... nên xuất hiện thường xuyên trong chế độ ăn của trẻ vì chúng cung cấp nhiều vitamin (nhất là vitamin C, vitamin A, kẽm...) tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên, làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Nước uống luôn phải được giữ ấm, bổ sung nước ép trái cây hoặc sữa ấm sau mỗi lần hoạt động ngoài trời về cho trẻ giúp cung cấp năng lượng một cách hoàn hảo.

"Khi trẻ có các biểu hiện cảm lạnh như sổ mũi, hắt hơi, ngạt mũi, khò khè, ho... có thể chưng cách thủy trái lê với gừng, táo đỏ hoặc nước củ cải trắng với gừng cho trẻ uống lúc nóng sẽ hỗ trợ giảm các triệu chứng", bác sĩ Yến Nhi hướng dẫn.

Lê Cầm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 14/03/2024

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Hướng dẫn nuôi dạy con - 06/03/2024

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Hướng dẫn nuôi dạy con - 05/03/2024

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Hướng dẫn nuôi dạy con - 29/02/2024

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 28/02/2024

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới