Ô nhiễm không khí giết chết bé gái hen suyễn
Mẹ của Ella, Rosamund Kissi-Debrah, sau cái chết của con đã đấu tranh không ngừng nghỉ, kêu gọi đưa ra Đạo luật vì không khí sạch.
Trước đó, cơ quan điều tra kết luận rằng mức độ ô nhiễm không khí vượt quá mức cho phép, chủ yếu từ các phương tiện giao thông, ở nam London, đã gây ra cái chết của Ella vào tháng 2/2013.
Rosamund, với sự kiên trì của mình, đã giúp cơ quan điều tra đi đến phán quyết lịch sử khi lần đầu tiên ghi nhận ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho một người.
Philip Barlow, nhân viên điều tra nội thành nam London, cho biết Ella qua đời do suy hô hấp cấp tính, hen suyễn nặng và tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
"Thất bại của chính phủ và các cơ quan khác trong việc giảm mức nitrogen dioxide (NO2), khí phát thải từ xe máy, ôtô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp hoặc cung cấp thông tin cho người dân về sự nguy hiểm của những chất này, là nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của Ella. Cô bé chết vì bệnh hen suyễn do tiếp xúc với ô nhiễm không khí vượt quá mức cho phép", Philip Barlow nói.
Ella sống cách đường Lewisham và các tuyến đường đông đúc khác khoảng 25 mét. Lượng khí thải NO2 ở Lewisham vượt quá giới hạn cho phép của Anh, EU cũng như hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nồng độ bụi mịn PM 10 và 2,5 cũng cao hơn mức trong hướng dẫn của WHO.
Ba năm trước khi qua đời, Ella bị nhiều cơn co giật, 27 lần nhập viện sau những cơn hen suyễn nặng.
7 năm sau cái chết của Ella, lần đầu tiên lượng khí thải NO2 giảm đúng mức cho pháp trên toàn quận vào 2019, nhưng lượng bụi mịn tiếp tục vượt quá giới hạn của WHO.
Phiên điều trần đầu tiên về cái chết của Ella vào năm 2014 không ghi nhận ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong. Rosamund tiếp tục chiến đấu để tìm căn nguyên gây ra những cơn hen suyễn cấp tính, những cơn suy sụp, ngừng thở và ngừng tim của con gái.
Cuộc điều tra lần thứ hai diễn ra sau khi luật sư của cô trình bày bằng chứng mới từ Giáo sư Stephen Holgate, một chuyên gia quốc tế, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tại trạm quan trắc Catford, cách nhà cô một dặm, luôn vượt quá giới hạn cho phép của Anh và EU.
Và lần này, Rosamund đã giành được công lý cho cô con gái bé nhỏ.
"Tôi nghĩ rằng đây sẽ là bước đệm để đưa ra Đạo luật không khí sạch mới. Không chỉ ở Anh, tôi mong các nước khác cũng xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Mong muốn lớn nhất của tôi là ngăn chặn những cái chết tương tự trong tương lai", cô bày tỏ.
Rosamund cho biết thay vì chơi trò đổ lỗi, cần phải có một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng với những thông điệp rõ ràng, ngắn gọn để giáo dục người dân về tác hại mà ô nhiễm không khí đang gây ra.
Simon Birkett, người sáng lập và giám đốc của Clean Air tại London, cho biết: "Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống và môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Để làm được điều này, họ cần có Đạo luật Không khí sạch mới nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện tại và đảm bảo môi trường trong sạch cho thế hệ sau này".
"Trong 7 năm kể từ khi Ella qua đời, gần 1/4 triệu gia đình khác ở Anh đã chịu thảm kịch khi những người dễ bị tổn thương hít phải không khí độc hại", Greg Archer thuộc Tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường nói. "Ở nước Anh hiện đại, điều này có thể ngăn chặn được".
Việc chính phủ liên tiếp không đảm bảo được chất lượng không khí an toàn đã khiến Client Earth, nhóm pháp lý về môi trường, 3 lần đưa chính phủ Anh ra tòa.
Katie Neild, luật sư của Client Earth, cho biết: "Cuộc điều tra cho thấy chính phủ đã biết về tác hại ô nhiễm không khí và họ đã phản ứng chậm như thế nào. Sẽ còn bao nhiêu người thiệt mạng trước khi có các chính sách nhằm làm sạch không khí?"
Phản ứng trước phán quyết, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: "Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Ella. Chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch trị giá 3,8 tỷ bảng Anh nhằm giải quyết ô nhiễm do phương tiện giao thông và NO2 để tiến xa hơn trong việc bảo vệ cộng đồng khỏi ô nhiễm không khí".
Gần đây, chính phủ Anh đã nỗ lực đưa ra các giới hạn khắt khe hơn của WHO đối với bụi mịn vào dự luật môi trường.
Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 12/2020 đã công bố mục tiêu đầy tham vọng của Anh là cam kết cắt giảm ít nhất 68% mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030, so với mức phát thải của năm 1990.
Anh cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 từ nay đến năm 2050.
Mai Dung (Theo Guardian)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội