Diễn biến mới vụ ngộ độc tiết canh dê ở Thái Bình
Đang truy tìm nguyên nhân
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngày 5/5, bệnh viện tiếp nhận 8 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm chuyển lên từ tỉnh Thái Bình, với các triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng.
Tính đến chiều muộn 7/5, sức khoẻ của tất cả 8 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đều ổn định và được xuất viện.
Sáng 7/5, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã họp chuyên môn nhưng chưa xác định cụ thể nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu lợn hay ngộ độc do vi khuẩn khác do, các xét nghiệm chưa có kết quả nuôi cấy máu tìm tác nhân.
Trước đó, ngày 1 – 2/5, một gia đình tại tổ 5, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình tổ chức tiệc cưới cho con. Trong ba bữa ăn có món tiết canh dê, tôm, thịt dê, thịt mèo, ba ba…
Đến 4/5, ông P.T (sinh năm 1957), một trong những người tham gia các bữa cỗ trên, có triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải. Ông T được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Sau đó, ông T được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai và tử vong ngày 5/5 với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, gout.
Nhiều người cùng ăn cỗ đã đến khám tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và một số người được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Không chủ quan ăn tiết canh dê "lành"
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực tế lâm sàng, đã có không ít bệnh nhân nhập viện vì liên cầu lợn dù trước đó ăn… tiết canh dê hay tiết canh vịt.
BS Thiệu cho rằng, bản thân dê không có vi khuẩn liên cầu lợn, tuy nhiên, khi chế biến tiết canh dê, nhất là cho các bữa cỗ đông người, tiết và nhân từ dê thường được pha thêm tiết lợn và sụn, thịt lợn. Nếu các thành phần từ lợn có chứa liên cầu khuẩn lợn sẽ lây nhiễm vào món ăn. Trong vụ việc tại Thái Bình, nhân món tiết canh dê có tai, gan, cuống họng lợn.
Theo chuyên gia này, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn, tuy nhiên, dễ gặp các biến chứng lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.
Bên cạnh liên cầu lợn, vì là món ăn chưa nấu chín nên những người ăn tiết canh dê vẫn có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn và ký sinh trùng khác. Đặc biệt là quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu. Theo BS Thiệu, các loại giun sán có trong tiết canh khi đi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, như gây áp xe gan...
"Để phòng tránh ngộ độc, cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Không nên ăn tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt động vật ốm chết; Không xử lý thịt sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt sống. Khi có dấu hiệu sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm", BS. Thiệu khuyến cáo.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ