Một bánh trung thu bằng hai bát phở bò
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, cho biết bánh trung thu ngọt và béo ngậy, cung cấp nhiều năng lượng. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no, nhiều tác hại, nhất là với người thừa cân, béo phì hay mắc bệnh mạn tính. Lượng chất béo trong một chiếc bánh trung thu trung bình bằng một đến hai lần lượng chất béo trong một bát phở bò hoặc phở gà.
Ngoài ra, lượng đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật. Các vitamin trong bánh cũng không nhiều lắm, qua chế biến và bảo quản đã hao hụt đáng kể.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cung cấp bánh trung thu có nhiều kiểu dáng, kích cỡ và năng lượng phụ thuộc vào từng thành phần.
Ví dụ, theo tài liệu Thành phần dinh dưỡng 400 thức ăn thông dụng của Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, bánh trung thu nướng thập cẩm hai trứng 250 g cung cấp năng lượng 1.095 kcal, glucid 104,5 g; bánh trung thu dẻo đậu xanh một trứng có năng lượng 807 kcal, glucid 158,1 g. Trong khi đó, một bát cơm vừa khoảng 200 kcal, glucid 44,2 g; một tô phở trung bình có 430 kcal, glucid 59,3 g.
"Như vậy năng lượng của bánh trung thu hai trứng gấp 5,5 lần chén cơm vừa, lượng glucid gần gấp đôi", bác sĩ Niên nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Tiến, nhiều người ăn bánh trung thu khó tiêu do nhiều chất béo và đạm động vật. Trẻ nhỏ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose, ăn nhiều có thể gây tiểu đường. Trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng. Do đó, người lớn nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là bánh dẻo sẽ dính chặt hơn.
"Nếu ăn 1/2 chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày bạn phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh", bác sĩ Tiến khuyên.
Nếu không giảm phần cơm, bạn nên đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa. Những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng, nên lựa chọn bánh dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, ăn hạn chế hơn để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
Không nên ăn kèm bánh với nước ngọt, cà phê hay trà sữa, để tránh đầy bụng, khó tiêu hóa cho dạ dày và tăng lượng đường nạp vào cơ thể. Bạn có thể ăn bánh uống trà hoặc ăn kèm các loại trái cây quả mọng giảm sự tích tụ dầu, mỡ và chất béo.
Chọn mua bánh trung thu
Bánh trung thu có nhiều loại, bao gồm bánh cổ truyền thường ít hương vị, màu sắc và bao bì ít hấp dẫn, độ ngọt cao và chất béo nhiều... Ngoài ra các loại bánh hand-made đang rất thịnh hành, hình thức rất đa dạng, nhiều màu sắc mới lạ, sáng tạo, nhưng chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ, hạn dùng ngắn.
Nguyên liệu như bột, nhân bánh, trứng muối, chất bảo quản, phẩm màu... để lâu dễ bị mốc. Nguyên liệu có thể nhập lậu, hàng trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến đã làm cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng.
Các tiêu chí để lựa chọn bánh trung thu an toàn:
Về nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng ghi rõ tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có thành phần nguyên liệu sản phẩm, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản..., ghi ngày sản xuất, có gói hút ẩm. Bánh trung thu đã hết hạn sử dụng nhưng bao bì vẫn còn nguyên cũng không nên dùng.
Về chất lượng: Chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, màu sắc không khác thường, không có mùi khác lạ. Bánh nướng có màu vàng hơi sậm và đều, độ bóng vừa phải (bóng nhiều do để lâu), vỏ mềm, mùi thơm đặc trưng. Bánh dẻo nên chọn loại có phủ lớp bột mỏng trên bề mặt, ấn vào thấy vỏ mềm nhưng không quá dính hay nhão.
Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì, bảo quản ở nơi sạch sẽ, che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.
Rửa tay sạch trước khi cắt và ăn bánh. Khi có bất thường về sức khỏe sau ăn bánh, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ