Sau lũ cẩn trọng viêm kết mạc, đau mắt hột
Theo bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viêm kết mạc phổ biến, là dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus gây ra. Bệnh thường lây truyền trong nhóm cộng đồng nhỏ, tiếp xúc gần.
Đa số người ban đầu bị viêm kết mạc ở một mắt, lây sang mắt còn lại sau 4-5 ngày kể từ khi phát bệnh. Mắt thứ hai biểu hiện bệnh nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus.
Các triệu chứng gồm mắt đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Viêm kết mạc có thể gây sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Ngoài ra có thêm biểu hiện khác như hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc.
Đau mắt hột còn gọi là viêm kết mạc có hột do Chlamydia, xuất hiện hột to cả ở kết mạc mi trên và mi dưới. Thể bệnh này có xu hướng dai dẳng, gây cộm và khó chịu mạn tính. Nếu điều trị không kiên trì hoặc dùng sai thuốc, các hột viêm sẽ tồn tại đến vài tháng, sau đó vỡ và để lại sẹo trên kết mạc, gây di chứng khô mắt do sẹo kết mạc, lông quặm và lông xiêu.
Lông quặm là tình trạng bờ mi bị cuộn vào trong nhãn cầu. Lông xiêu là tình trạng những sợi lông mi mọc ngược hướng vào phía nhãn cầu trong khi bờ mi mắt ở vị trí bình thường.
Người bệnh tái nhiễm liên tiếp do dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung, ruồi muỗi nhiều, bệnh chuyển thành bệnh mắt hột, gây mù lòa do lông quặm, lông xiêu chọc vào giác mạc làm viêm loét, hóa sẹo hoặc loét thủng.
Viêm kết mạc và mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, các bệnh mắt khác dễ gặp sau mưa lũ như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm dị ứng, viêm kích ứng do hóa chất làm sạch nước có clo nồng độ cao, chắp lẹo... Bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng Toxoplasma Gondii, rất dễ lây truyền qua nước bẩn như ở Brazil.
Bệnh viêm kết mạc có thể điều trị bằng cách nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần, tra nhỏ kháng sinh hoặc kháng sinh có kèm cortisol (chất kháng viêm) trong thời gian ngắn, bệnh có xu hướng giảm dần và khỏi hẳn sau 7-10 ngày. Nếu bệnh kéo dài hơn, kèm theo chói mắt, sợ sáng, nhìn mờ thì người bệnh đã gặp biến chứng và phải đi khám, điều trị tại cơ sở chuyên khoa.
Còn bệnh mắt hột cần vệ sinh mắt thường xuyên và kiêng cữ để tránh tái nhiễm, sử dụng kháng sinh tra nhỏ hoặc uống thuộc nhóm phenicol, cycline, sulfamid, macrolite. Bệnh sẽ khỏi sau 4-6 tuần điều trị tra nhỏ mắt và uống thuốc.
Theo bác sĩ Cương, bệnh mắt không nguy hiểm tới tính mạng song thường xuyên bùng phát trong lũ và sau lũ 10 ngày. Nguyên nhân chính đến từ việc mắt phải tiếp xúc với các chất bẩn, chất độc hại, chất gây kích ứng và dị ứng của môi trường có trong nước lũ. Bên cạnh đó, độ ẩm tuyệt đối và nhiệt độ từ 20-30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt hoạt động mạnh mẽ, gây bệnh nhiều hơn. Trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.
Phòng ngừa bệnh mắt phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường. Bác sĩ khuyến cáo cơ quan chức năng vùng lũ miền Trung nhanh chóng tái lập cung cấp nước sạch để người dân rửa mắt, rửa mặt nhằm phòng và chống lây lan bệnh mắt. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để đảm bảo vệ sinh. Rửa mắt bằng nước muối hoặc xối rửa bằng kháng sinh tra nhỏ có chloramphenicol (cloroxit) 0,4%, gentamycine 0,3% sau khi ngâm trong nước lụt. Tránh dùng khăn mặt, chậu rửa chung.
Chuẩn bị các dụng cụ, thuốc men phòng dịch như nước javel, viên làm sạch nước, xô chậu, nước sạch đóng chai, một số thuốc sát trùng da và chloramphenicol - loại kháng sinh phổ rộng dùng tốt cho cả viêm kết mạc dịch và phòng được bệnh mắt hột. "Đây có thể coi như là một bộ kit phòng bệnh, xử lý môi trường tối cần thiết cho hoàn cảnh bão lũ", bác sĩ Cương cho biết.
Bên cạnh đó, người dân vùng lũ lụt có thể gặp các tai nạn về mắt, cơn thiên đầu thống, viêm màng bồ đào trong sinh hoạt hàng ngày. Các trường hợp này phải chuyển tới cơ sở chuyên khoa mắt điều trị kịp thời.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ