Thanh niên bị ảo giác vì thuốc lá điện tử, 5 người khống chế đưa đi cấp cứu
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp này bị ngộ độc thuốc lá điện tử khá nặng.
Bệnh nhân được 5 người khống chế, đưa vào cấp cứu trong tình trạng kích động dữ dội, hoang tưởng, ảo giác. Bác sĩ sau đó phải dùng thuốc an thần, gây mê kết hợp thở máy để điều trị cho bệnh nhân.
Mẫu thuốc lá người nhà mang tới đã được Bệnh viện Bạch Mai chuyển đến Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm, phát hiện bên trong chứa thành phần cần sa tổng hợp là một chất rất mới, rất độc với thần kinh và tim mạch.
Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Theo TS Nguyên, từ 2019 đến nay, Trung tâm tiếp nhận rải rác các trường hợp bị ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử. Hầu hết các trường hợp này đều rất trẻ, một số là học sinh cấp 3, có biểu hiện co giật, sốc, ảo giác, kích thích… khi đến viện.
Thuốc lá điện tử có rất nhiều loại, sử dụng điện để đốt cháy các chất lỏng bên trong, tạo ra khói khi hút giống như hút thuốc lá thật. Thuốc lá điện tử có loại dùng 1 lần và loại dùng pin, tái sử dụng nhiều lần
Các dung dịch được bơm vào thuốc lá điện tử thường chứa nicotin (thành phần gây nghiện trong thuốc lá truyền thống) và các chất tạo hương liệu, phụ gia, tạo màu… Thậm chí hàm lượng nicotin trong một điếu thuốc điện tử có thể tương đương 3-5 bao thuốc lá thông thường.
Vì vậy thuốc lá điện tử thông thường đã độc, lại thêm hương liệu độc hại, khi đốt nóng hình thành các chất gây ung thư, tổn thương phổi cấp. Tại Mỹ đã ghi nhận ít nhất 68 trường hợp tử vong do viêm phổi cấp sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Đáng lưu ý, có tình trạng trộn thêm ma túy vào thuốc lá điện tử, các chất này khi đốt nóng còn nguy hại gấp nhiều lần. Mỗi ngày thế giới ghi nhận thêm hàng chất từ cần sa, ma túy tổng hợp, vì vậy năng lực xét nghiệm chậm hơn tốc độ gia tăng các chất gây nghiện.
TS Nguyên cho biết, hiện các phòng xét nghiệm lớn của Hà Nội mới chỉ xác định được khoảng 180 chất. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, dù có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được đó là loại chất gì.
Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống.
Trong năm 2015, Việt Nam chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%.
Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hay shisha. Việc này đã nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan, người dân.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?