Tiệc tùng ngày lễ Tết, bác sĩ chỉ điểm thủ phạm gây các bệnh lý tiêu hóa
Chất béo khó tiêu hóa hơn tinh bột, đạm
BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, chức năng chính của hệ tiêu hóa là tiếp nhận và phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng. Cơ thể sẽ hấp thụ các chất này vào máu, chuyển đổi thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Do vậy, chất lượng thức ăn và chế độ dinh dưỡng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tiêu hóa.
Vào dịp Tết, những món ăn ngậm dầu hay chiên đi chiên lại như nem rán, cánh gà chiên, hải sản chiên xù, bánh chưng chiên, thịt đông… rất được ưa chuộng và thường xuất hiện trên các bàn tiệc lớn, nhỏ. Tuy nhiên, việc thu nạp quá nhiều loại thức ăn này sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng… thậm chí đau dạ dày, chuột rút đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mãn tính.
Theo BS. Hoàng Đình Thành, chất béo khó tiêu hóa hơn so với tinh bột, đạm. Nếu cơ thể thu nạp quá nhiều chất béo sẽ làm cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa, gây nguy cơ về các bệnh lý tiêu hóa, đồng thời, tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Tế bào gan dễ bị tổn thương, gây xơ gan, thậm chí suy gan nếu không có chế độ ăn phù hợp.
Bên cạnh đó, còn làm tăng nguy cơ thúc đẩy sự phát triển các vi khuẩn có hại làm suy giảm sức khỏe đường ruột, khả năng tiêu hóa chất xơ, hệ miễn dịch kém, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến các bệnh lý về tim mạch…
Con theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, những ngày lễ Tết, tiệc tùng liên miên, không tập luyện khiến năng lượng dư thừa không được tiêu hao, làm lượng mỡ trắng sinh sôi, tích tụ lại.
Đáng lưu ý, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp này có năng lượng rất cao, nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, trong khi các bữa lại ít rau xanh… Điều này khiến nhiều người có thể cảm nhận rõ nhất chính là cơ thể nặng nề hơn ngay sau kỳ nghỉ. Đặc biệt, với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, mỡ máu, thừa cân béo phì…, nếu chế độ ăn uống không hợp lý trong những ngày Tết, có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc dẫn tới tình trạng bệnh nặng thêm.
“Không nên ăn nhiều các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường. Dù có khoái khẩu đến mấy, thì các món như: dưa muối, lạp xưởng, giò xào, bánh chưng, thịt nấu đông… cũng nên hạn chế. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng thông qua việc ăn nhiều các loại rau củ quả, trái cây. Những người bị bệnh đường tiêu hóa cần cố gắng duy trì chế độ ăn uống kiêng khem như ngày thường và uống đủ thuốc”, TS. Sơn khuyến cáo.
Nhận diện đường tiêu hóa đang bị quá tải chất béo ra sao?
Theo BS. Đình Thành, cần sớm nhận biết các dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa đang quá tải chất béo để kịp thời can thiệp.Tình trạng suy giảm chức năng hệ tiêu hóa điển hình là dấu hiệu chướng bụng, đầy hơi. Nguyên nhân là do chất béo khó phân hủy, khí tích tụ quá nhiều sẽ gây khó tiêu.
Ngoài ra, còn dấu hiệu mệt mỏi, do cơ thể sẽ cần nhiều năng lượng để phân hủy lượng lớn chất béo nạp vào cơ thể và gây tình trạng thiếu hụt ở những cơ quan còn lại. Hay nóng dạ dày, khó chịu ở cổ họng do thành phần axit sẽ sản sinh nhiều trong dầu sau mỗi lần sử dụng…
BS. Thành khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về tiêu hóa ngày vào Tết, người bệnh chú ý uống đủ nước và tránh nằm ngay sau khi ăn, hoặc nằm sấp, có thể sử dụng gừng để giảm đau bụng. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thuốc, các thực phẩm hỗ trợ phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Để tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa vào dịp Tết, BS. Hoàng Đình Thành lưu ý, duy trì thói quen ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều bữa để hệ tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn, hấp thụ những chất béo có lợi. Duy trì tập thể dục đều đặn giúp cơ thể đốt cháy chất béo thay vì tích tụ trong gan.
Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê và thuốc lá; Thực hiện ăn chín uống sôi để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa; Nếu tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc trở nặng, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có chỉ định điều trị phù hợp.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?