Làm gì khi bị kiến ba khoang tấn công?
Bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết kiến ba khoang trưởng thành dài khoảng 7 mm đến 10 mm và rộng 0,5 mm đến một mm. Chúng thường sống trong môi trường ẩm ướt, phát triển mạnh vào mùa mưa và ưa ánh sáng đèn ban đêm.
Độc tố kiến ba khoang rất mạnh, gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Dính độc kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ. Từ 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn. Sau ba ngày, vết đỏ đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
"Kiến ba khoang gây bệnh không phải là đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da hay qua tay gây ra viêm da tiếp xúc tại chỗ", bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM, nói.
Do đó, khi bị kiến ba khoang cắn, bạn không nên đập, chà xát để tránh nọc độc tiếp xúc với da mà nên dùng móng tay búng kiến ra xa hoặc dùng giấy, khăn, băng keo dính để bắt chúng. Tránh dùng tay không để bắt, giết, miết. Nếu bị kiến bò lên người thì rửa sạch vùng da đó với nước sạch xà phòng, không nên cào, gãi dễ gây bội nhiễm, tạo thành mủ, gây sốt.
Tránh nhầm lẫn giữa mẩn đỏ do tiếp xúc kiến ba khoang và bệnh giời leo rồi tự ý mua thuốc thoa lên da. Vết bỏng do kiến ba khoang không nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng nếu xử lý không phù hợp, tình trạng tổn thương da sẽ nặng hơn.
Theo bác sĩ, vết thương do kiến ba khoang có dạng dát đỏ, thành đám, vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Khi bệnh nhân gãi, dịch dính vào những vùng da khác sẽ gây viêm da tiếp xúc gián tiếp nhiều chỗ trên cơ thể. Dấu hiệu ban đầu là ngứa, rát bỏng, có khi đau. Thời gian tiến triển của viêm nhiễm kéo dài từ một đến ba tuần, tùy thuộc vào lượng độc tố trên da.
Còn người bị giời leo thường sốt nhẹ khoảng 38 độ, nhức đầu, mệt mỏi, đau xương sống, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da chuẩn bị nổi thương tổn... Sau đó, da xuất hiện những mụn nước, thường liên kết lại với nhau (dính chùm), tuổi càng lớn mức độ đau nhức càng tăng. Vị trí hay gặp là liên sườn.
Cần phân biệt vết thương để xử lý. Tuyệt đối không đắp lá hoặc bài thuốc chưa được kiểm chứng, không bôi thuốc sát trùng có chứa i-ốt, cồn sẽ làm vết thương nặng thêm, tăng nguy cơ bội nhiễm.
Với thương tổn do kiến ba khoang, trường hợp nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, thuốc kháng sinh... Vết thương nặng, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách. Vết thương phát hiện sớm sẽ không để lại sẹo.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo