Duy trì điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS

Theo Nhân dân 03:08 01/12/2019 - Y tế 24h
Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) hiện là giải pháp hữu hiệu nhất bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS. Với phác đồ mới, người bệnh sẽ được điều trị thuốc ARV ngay khi phát hiện bệnh, qua đó có cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài và giúp tái hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.
Phòng khám SHP Trường đại học Y Hà Nội tư vấn chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng, chống HIV cho khách hàng.
Phòng khám SHP Trường đại học Y Hà Nội tư vấn chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng, chống HIV cho khách hàng.

Chị A. (hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) là người đầu tiên tại Việt Nam xác định bị nhiễm HIV (cuối năm 1990). Sau hơn 29 năm điều trị, sức khỏe của chị vẫn ổn định. Cơ quan y tế xác định, chị A. nhiễm HIV từ người chồng. Sau bốn năm nhiễm HIV, người chồng mất, chị hoảng loạn, vì lúc đó nhiễm HIV còn rất xa lạ tại Việt Nam. Nhưng được các bác sĩ động viên, cho nên chị đã đồng ý điều trị HIV. Đến năm 1997 chị bắt đầu uống thuốc ARV và duy trì cho đến nay. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm (Cục phòng, chống HIV/AIDS) cho biết: Sau 29 năm được phát hiện nhiễm HIV, hiện chị A. vẫn đang sống khỏe mạnh nhờ việc tuân thủ điều trị bằng uống thuốc ARV. Các xét nghiệm cho thấy hàm lượng vi-rút rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Kết quả đó có được là do chị dùng thuốc ARV đều đặn kết hợp tinh thần lạc quan, giúp kìm hãm sự phát triển vi-rút HIV.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long: Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV đã mở ra cơ hội rất lớn cho người nhiễm HIV. Khi nhiễm vi-rút HIV, hệ miễn dịch của con người bị phá hủy. Sử dụng thuốc ARV sẽ giúp kiềm chế được sự nhân lên và phát triển của vi-rút HIV và hệ miễn dịch được phục hồi trở lại; đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như những người bình thường. Việc điều trị bằng thuốc ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động học tập và làm việc như người có sức khỏe bình thường và như vậy, họ tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.

Điều trị bằng thuốc ARV kịp thời còn giúp kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp hơn ngưỡng 200 bản sao/ml máu (ngưỡng không phát hiện được vi-rút HIV). Tuy nhiên, HIV không thể loại bỏ hoàn toàn bằng thuốc ARV, vi-rút HIV vẫn tồn tại nhưng sẽ không nhân lên và phát triển mạnh.

Vi-rút HIV vẫn tái hoạt động định kỳ và sẽ nhân lên khi có cơ hội. Do đó, người bệnh khi đã sử dụng ARV phải tuân thủ nghiêm liệu trình bác sĩ đưa ra và phải điều trị suốt đời, không ngắt quãng để ngăn chặn vi-rút HIV tái hoạt động và nhân lên. Khi phát hiện nhiễm HIV, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị ARV sớm nhất.

Đáng chú ý, các nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy, một người uống thuốc ARV hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi-rút ở mức không phát hiện được; không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình. Trên cơ sở đó, các chuyên gia nhấn mạnh, nhiễm HIV giờ đây không còn là “bản án tử hình” như nhiều người bệnh vẫn lo sợ. Người nhiễm HIV, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc ARV kịp thời vẫn có thể sống và cống hiến cho cộng đồng.

Để tiến tới đẩy lùi HIV/AIDS tại Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo, những người có hành vi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm HIV nên tiến hành việc xét nghiệm sớm HIV. Với những người được chẩn đoán nhiễm HIV, cần sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV định kỳ. Bên cạnh đó, gia đình, xã hội không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo từ Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong chín tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 người nhiễm HIV; số người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.984; số người bệnh chết do AIDS là 1.428 trường hợp. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 đến 29 (chiếm 39,4%) và 30 đến 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.

THANH MAI

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới