Giấc mơ của tiến sĩ 8X điều chế thuốc trị ung thư

Theo Báo giao thông 12:10 18/06/2023 - Y tế 24h
Phát minh ra thuốc điều trị HIV mới, tìm ra dẫn chất mới có khả năng điều trị ung thư… là những công trình ghi dấu ấn của TS. Trương Thanh Tùng.

Tiến sĩ (TS) Trương Thanh Tùng là một trong số 75 người vừa được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Ra đi để trở về với nhiều hoài bão

TS. Trương Thanh Tùng (SN 1989, quê Thanh Miện, Hải Dương), hiện đang công tác tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội).

Giấc mơ của tiến sĩ 8X điều chế thuốc trị ung thư

TS. Trương Thanh Tùng nghiên cứu thuốc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Tạ Hải
TS. Trương Thanh Tùng nghiên cứu thuốc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Tạ Hải

 

Sau 8 năm học tập và nghiên cứu tại nước ngoài với mức thu nhập cao, điều kiện sống tốt, năm 2019, TS. Tùng quyết định về nước, chọn Trường đại học Phenikaa làm điểm dừng chân. Anh lập ra Nhóm nghiên cứu thuốc mới và trực tiếp làm trưởng nhóm.

 
 

“Khát vọng lớn nhất của tôi và Nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc”, anh chia sẻ.

TS. Hoàng Văn Hải, một thành viên của nhóm trở về sau 10 năm học tập, nghiên cứu ở Hàn Quốc chia sẻ: “Với tính cách luôn muốn thay đổi, tìm tòi nên tôi lựa chọn về nước và chung tay với TS. Trương Thanh Tùng. Trên hành trình dài, những người trẻ chúng tôi mới chập chững những bước đầu tiên, còn nhiều nhiệt huyết và hoài bão”.

“TS. Trương Thanh Tùng từ Mỹ về Việt Nam với mong muốn cống hiến cho đất nước, cho ngành là điều đáng trân trọng. Nhà trường rất có niềm tin vào nhóm nghiên cứu và sẽ hỗ trợ để tiến tới phát triển sản phẩm thuốc đưa vào sử dụng thực tế”, PGS. TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho biết.

Năm 2022, TS. Tùng và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.

“Hướng nghiên cứu của nhóm là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virus ra khỏi cơ thể. Các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virus trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể.

Điều này có nghĩa là các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV”. Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV”, TS. Tùng cho biết.

Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của anh và cộng sự là các dược chất có thể thức tỉnh virus HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.

Hiện việc hiện thực hóa thuốc điều trị mới này đang được tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng bởi các cộng sự quốc tế ở Đức.

Sau 4 năm trở về Việt Nam, TS. Tùng và thành viên của nhóm nghiên cứu đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn.

Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành sản phẩm thuốc dùng ngoài da, giúp người bệnh không phải phụ thuộc vào kháng sinh nữa.

Đó là những thành quả trước mắt, còn hướng đi dài hơi hơn của nhóm là sẽ sản xuất ra thuốc “Made in Vietnam” do người Việt Nam tổng hợp dược liệu, sản xuất cung ứng và làm chủ quy trình công nghệ, ra thành phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ để đưa đến tay người dân. Và xa hơn nữa có thể vươn tầm ra thế giới.

Hành trình ra biển lớn

Giấc mơ của tiến sĩ 8X điều chế thuốc trị ung thư

TS. Trương Thanh Tùng. Ảnh: Tạ Hải
TS. Trương Thanh Tùng. Ảnh: Tạ Hải

 

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, thay vì đi làm trình dược viên với mức lương 12-14 triệu đồng/tháng, gấp 2-3 lần thu nhập bình thường của sinh viên mới ra trường, anh lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học.

Bước ngoặt tới khi GS. TS. Nguyễn Hải Nam (hiện là hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội) gửi thư giới thiệu anh đến Trường Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh.

Sau ba năm học tập, có công trình nghiên cứu và được giáo sư hướng dẫn đánh giá tốt, anh tiếp tục sang Đan Mạch làm nghiên cứu sinh tại Đại học Copenhagen, háo hức mong tìm được câu trả lời: “Vì sao vùng đất ấy sản sinh ra rất nhiều nhà khoa học giành được giải Nobel về Y dược đến thế?”.

Và tại đây, được tiếp xúc, làm việc vào nhiều giáo sư đầu ngành trong đó có người từng đạt giải Nobel, anh đúc rút, thu nạp cho mình nhiều kiến thức mới, về tư duy nghiên cứu mà theo anh là rất khác biệt, thậm chí trái ngược với tư duy nghiên cứu tại Hàn Quốc.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2014, anh được Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole, có khả năng điều trị ung thư trúng đích.

“Thành công của chất mới là dùng liều lượng ít hơn, ít độc hơn và giảm thiểu tác dụng phụ có thể có, mang đến phương pháp điều trị mới an toàn hơn cho bệnh nhân ung thư. Đó là điều trị trúng đích. Thuốc chỉ tác dụng chọn lọc trên tác nhân gây ung thư mà không ảnh hưởng đến các tổ chức lành tính khác”, anh kể về những kết quả ban đầu.

Tiếp sau Đan Mạch, chàng trai trẻ lại ngao du trong thế giới của khoa học bằng việc tham gia các dự án nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Phần Lan, Mỹ.

Tại Mỹ, TS. Tùng làm trợ lý cho GS. Peter Wipf, trường Đại học Pittsburgh, được thử nghiệm nghiên cứu khoa học với nhiều chất mới.

Đánh dấu cho tuổi 28, anh thành công với dự án sáng chế ra những chất hóa dược mới, được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tiếp nhận để thử nghiệm hoạt tính mới trong điều trị ung thư.

Nhà khoa học có thể sống tốt ở Việt Nam

“Tôi muốn truyền lửa cho các bạn trẻ có đam mê và năng lực nghiên cứu khoa học, kể cả các đồng nghiệp nước ngoài muốn về Việt Nam nhưng còn lăn tăn”, TS. Tùng chia sẻ lý do thôi thúc anh trở về.

Hiện trong nhóm nghiên cứu thuốc mới của anh, ngoài nhân tố chính gồm 3 tiến sĩ đều được đào tạo từ nước ngoài, còn có sự tham góp của nhiều nghiên cứu sinh ở nước ngoài và sinh viên khoa Dược của trường Đại học Phenikaa.

Khi được hỏi: “Môi trường, cơ chế hiện nay ở Việt Nam có điều gì cản trở con đường nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ?”, TS. Tùng trải lòng: “Đầu tiên là cơ sở vật chất và trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi có thể vượt qua được bằng nhiều cách thức như hợp tác trong nước hoặc kêu gọi quốc tế hỗ trợ.

Thứ hai là nguồn quỹ dành cho nghiên cứu, không thiếu nhưng phân bổ chưa hợp lý. Ví như một số quỹ của bộ, ngành có quan điểm “cho tất cả vào 1 giỏ để xét”. Như vậy, người trẻ ở nước ngoài về rất ít cơ hội với một giáo sư trong nước có mối quan hệ tốt.

Anh cũng cho rằng, với yêu cầu ngay từ đầu vào hồ sơ xin đầu tư đề tài nghiên cứu đã phải tính đến đầu ra như hiện nay, là cách làm phi khoa học. Cách làm này gây ức chế sáng tạo cho các nhà khoa học. Trong khi ở nước ngoài, họ xác định đầu tư 10 dự án chỉ cần 1 dự án thành công là “có lãi”. Vì vậy, điều này cần thay đổi.

“Với nhà khoa học trẻ, có đủ kinh nghiệm, kiến thức, ý tưởng thì cần nhận được gói tài trợ start-up, hỗ trợ một phần kinh phí trang thiết bị, đề tài nghiên cứu cơ bản ban đầu. Tuy nhiên, đầu tư start-up thì không nên đặt nặng kết quả đầu ra.

Tôi thấy cuộc sống ở Việt Nam mặt bằng chung không thể bằng nước ngoài, song điều kiện thu nhập dành cho các nhà khoa học từ nước ngoài về là đủ cao để đảm bảo cuộc sống tốt”, anh nói.

 

Đến nay, TS. Trương Thanh Tùng có một bằng sáng chế quốc tế, 30 công trình khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ y dược công bố trên tạp chí quốc tế.

Năm 2021, anh là một trong 10 gương mặt nhận giải thưởng Quả cầu vàng khoa học công nghệ; được vinh danh Nhà giáo trẻ Tiêu biểu Thủ đô Hà Nội năm 2022; Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022 (lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo).

Tháng 11/2022, TS. Tùng là nhà khoa học trẻ đầu tiên của Việt Nam được hội đồng quốc tế bầu trực tiếp là thành viên chính thức của Hiệp hội Khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi, trụ sở tại Mỹ.

Trong suốt 136 năm lịch sử, hiệp hội đã có hơn 200 thành viên đạt giải thưởng Nobel, bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng như: Albert Einstein, James Watson...

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Y tế 24h - 23/12/2024

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới