Trước đó, từ tháng 5-2019, bé Q. được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao - một bệnh ung thư phát triển từ các tế bào thần kinh tìm thấy trong một số khu vực của cơ thể, sau thời gian điều trị hóa chất theo phác đồ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP Hồ Chí Minh.
Đến ngày 8-1-2020, bệnh của bé diễn tiến nặng hơn, việc phẫu thuật hay điều trị hóa chất không còn hiệu quả cho nên bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện T.Ư Huế để tiến hành các bước điều trị trước khi ghép tủy như điều trị hóa chất, phẫu thuật…
Qua thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế chỉ định ghép tế bào gốc để cứu bệnh nhi. Ban giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế đã chủ trì buổi hội chẩn chuyên khoa, chỉ đạo kế hoạch ghép tủy, không dừng lại ở việc xạ trị vì với phương pháp ghép tế bào gốc, sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn.
Sau hội chẩn, tại Trung tâm Nhi khoa, bệnh nhi Q. được tiến hành điều trị tiếp ba vòng hóa chất, sau đó thu hoạch tế bào gốc và chuyển mổ bóc được 90% khối u, bảo tồn được cả hai thận. Tiếp đó, bệnh nhi được tiến hành dùng hóa chất liều cao và ghép tế bào gốc.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các Trung tâm Nhi khoa, Huyết học truyền máu, Ung bướu và các khoa ngoại nhi cấp cứu bụng, huyết học, sinh hóa, vi sinh, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng…, ca ghép tủy của cháu Q. được thực hiện thành công.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Khoa Nhi Tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa cho biết, sau ngày thứ 15 ghép tủy, các dòng tế bào máu của bệnh nhi Q. đã được phục hồi. Bệnh nhi được chính thức xuất viện và tiếp tục về nhà uống thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ. Cháu Q. sẽ xạ trị tiếp và uống thuốc miễn dịch retino-acid trong vòng sáu tháng tại Kiên Giang.
Được biết, đến nay Bệnh viện T.Ư Huế đã thực hiện thành công ca ghép tủy thứ tư cho người bệnh ở nhiều địa phương khác nhau, giúp mang lại sự sống cho người bệnh.