Bệnh viện Ung bướu giãn cách bệnh nhân nội trú

TP HCM - Để bảo vệ bệnh nhân ung thư trước nguy cơ nhiễm nCoV, Bệnh viện Ung bướu siết chặt các vòng sàng lọc, chủ động giảm nội trú, cách ly riêng bệnh nhân nặng...

5h sáng 25/8, trong lều sàng lọc dã chiến dựng ngay trước cổng bệnh viện, điều dưỡng Ngô Thị Kim Tiền, Khoa Khám chữa bệnh, đã mặc xong đồ bảo hộ, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên.

Ảnh minh họa
Điều dưỡng Tiền làm việc liên tục 6 tiếng với đồ bảo hộ trong lều nhựa khám sàng lọc, có lúc nhiệt độ lều gần 40 độ C . Ảnh Thư Anh.

Càng về trưa, chiếc quạt điện chạy hết công suất không ngăn được cái nóng hừng hực dưới lớp đồ bảo hộ. Mồ hôi chảy thành dòng trên trán xuống cổ, điều dưỡng Tiền mặc kệ. Bệnh nhân đang xếp hàng dài, chờ chị khai thác dịch tễ để được vào khám bệnh. Bên ngoài, các đồng nghiệp khác của chị cũng đang hối hả phân luồng, hỗ trợ bệnh nhân khai báo y tế.

"Đồng nghiệp làm ca chiều còn cực khổ hơn nhiều. Có người nóng quá, sốc mất nước, gục xuống mà tay còn cầm máy đo nhiệt độ", chị Tiền nói.

Ông Xuân, 53 tuổi, ở Tiền Giang, bệnh nhân ngoại trú điều trị ung thư dạ dày, đến tái khám, lấy thuốc theo lịch hẹn. Ông cho biết, từ đầu năm đến nay, lần nào đến bệnh viện cũng phải đeo khẩu trang, rửa tay, khai báo y tế mấy lần.

"Tôi không thấy phiền. Bây giờ tôi mắc ung thư rồi, mà lỡ mắc thêm Covid-19 nữa chắc không trụ nổi", ông Xuân nói.

Đến ngày 27/8, trong ca tử vong do Covid-19 thì đến 5 trường hợp mắc bệnh lý nền ung thư. Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bệnh nhân ung thư xếp thứ 6 trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ bị tấn công và diễn biến nặng nếu nhiễm nCoV. Thêm vào đó, mặt bằng bệnh viện chật hẹp, hàng ngày khám và điều trị hơn 9.000 bệnh nhân, khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao.

"Bệnh nhân ung thư là đối tượng yếu thế trong cuộc chiến Covid-19. Vì vậy, bệnh viện đặt mục tiêu, bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ bệnh nhân tuyệt đối, không để bệnh viện thành ổ dịch", bác sĩ Tuấn khẳng định.

Tuần qua, bệnh viện gấp rút sắp xếp lại cơ sở vật chất, bố trí 12 phòng cách ly với hơn 70 giường tại tất cả các tầng lầu. Bệnh viện cũng thành lập hai đơn vị mới là khoa cách ly tập trung và khoa điều trị bệnh nhân nặng. Bệnh nhân ung thư kèm suy thận, tiểu đường type hai giai đoạn nặng, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch, suy tim độ hai... được chuyển điều trị riêng. Khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt qua ba lớp cửa, có bảo vệ túc trực 24/7.

Các bệnh nhân có bệnh nền này tuyệt đối không ra ngoài, chỉ tiếp xúc với nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp cho đến khi ra viện. Những dịch vụ như ăn uống, phát thuốc, lấy máu, siêu âm được cung ứng tại chỗ. Nếu bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần chụp MRI, CT, các điều dưỡng sẽ chọn giờ vắng vào trưa, cuối giờ chiều để đưa bệnh nhân đi chụp nhanh nhất, hạn chế rủi ro phải tiếp xúc đông người.

Bác sĩ Tuấn giải thích: "Đó là những bệnh nhân quý. Nếu họ nhiễm nCoV, nguy cơ tử vong thường trực. Chúng tôi không muốn mất bất kỳ bệnh nhân nào".

Ảnh minh họa
Bệnh nhân ung thư kèm các bệnh nền nặng, được chuyển vào khu điều trị riêng, tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh Thư Anh.

Với nhóm bệnh nhân nội trú, bệnh viện ưu tiên trường hợp cấp tính. Trường hợp lành tính, được tư vấn điều trị sau. Các bệnh nhân cần phẫu thuật, hóa trị, xạ trị được tiếp tục đúng lộ trình điều trị. Người bệnh ngoại tỉnh, nhất là đến từ các vùng có dịch, bác sĩ khuyến khích điều trị tại chỗ. Bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm vì khi chuyển viện, các bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh viện tuyến địa phương đầy đủ hồ sơ bệnh án cùng phác đồ liền mạch.

Hiện, Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã tổ chức 9 bệnh viện ung bướu vệ tinh ở các tỉnh, đủ năng lực điều trị, bao gồm Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bạch Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang. Các vệ tinh có mạng lưới kết nối, sẵn sàng hội chẩn, thăm khám từ xa trong mọi tình huống.

Nhóm bệnh nhân ngoại trú, bệnh viện thực hiện tái khám giãn cách ba tháng một lần và đảm bảo phát thuốc đủ. Đặc biệt, bệnh viện kéo dài thời gian khám bệnh, bắt đầu từ 5h sáng.

Để đảm bảo bắt đầu khám bệnh từ 5h sáng, bác sĩ Tuấn chia sẻ, có những bác sĩ, điều dưỡng nhà ở Củ Chi, Nhà Bè, cách bệnh viện 20-30 km, phải dậy từ 3h30 bắt chuyến xe buýt sớm nhất đi làm. Các nhân viên y tế nữ, trẻ tuổi, càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn. Lãnh đạo bệnh viện hiểu "giảm tải bệnh nhân đồng nghĩa tăng áp lực nhân viên", động viên đồng nghiệp cố gắng, lấy sức người bù lại sự thiếu thốn nhân lực, vật lực để phục vụ bệnh nhân tốt nhất.

Bên cạnh các giải pháp nội viện, từ ngoài cổng, các biện pháp ngăn ngừa cũng rất gắt gao. Bệnh viện Ung bướu TP HCM có ba cổng, nay phân luồng riêng biệt cho nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Tại các cổng tiếp đón bệnh nhân, tất cả người ra vào đều bắt buộc sàng lọc hai lần và khai báo y tế. Mỗi bệnh nhân chỉ có một người thân đi cùng.

Khai báo y tế điện tử tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh Thư Anh.
Khai báo y tế điện tử tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh Thư Anh.

Bác sĩ Tuấn cho hay, quy định sàng lọc hai lần nhằm không bỏ sót bệnh nhân về từ vùng dịch mà khai báo y tế không trung thực. Vòng sàng lọc đầu tiên, nhân viên y tế yêu cầu 100% người ra vào đeo khẩu trang, rửa tay, đi qua máy đo thân nhiệt tự động. Người bệnh được hỗ trợ khai báo y tế trên ứng dụng riêng của bệnh viện.

Nếu không có dấu hiệu bệnh và yếu tố dịch tễ, bệnh nhân được vào trong, đến các khoa phòng, qua vòng sàng lọc thứ hai. Vào khoa, các bác sĩ tiếp tục khai thác đường dịch tễ. Bệnh nhân không thuộc các nhóm phải cách ly, quy trình khám chữa bệnh diễn ra bình thường.

Bệnh nhân có tiếp xúc với F0 hoặc đi từ ổ dịch về, được đưa vào phòng sàng lọc hkỹ hơn, cần thiết thì đưa vào phòng cách ly để được chăm sóc y tế, lấy mẫu. Sau đó bệnh viện báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) điều phối, đưa đi cách ly tập trung.

Người về từ vùng dịch mà không đến các điểm nguy cơ, không có triệu chứng, hoặc đã cách ly xong 14 ngày theo quy định, sẽ được thăm khám bình thường, hướng dẫn cách ly tại nhà. Trường hợp cần điều trị sẽ được đến phòng, khu riêng.

"Bệnh viện thông cảm với tâm lý bệnh nhân muốn được khám, chữa bệnh nhanh, sớm, nhưng vì sự an toàn chung của bệnh viện và cộng đồng cũng như chính bản thân bệnh nhân, chúng tôi phải quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm", bác sĩ Tuấn nói.

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Mạng lưới bệnh viện - 26/02/2024

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Mạng lưới bệnh viện - 23/02/2024

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Mạng lưới bệnh viện - 23/02/2024

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Bộ Y tế yêu cầu rà soát tình trạng gian lận phân nhóm trang thiết bị để trúng thầu

Bộ Y tế yêu cầu rà soát tình trạng gian lận phân nhóm trang thiết bị để trúng thầu

Mạng lưới bệnh viện - 09/01/2024

Bộ Y tế yêu cầu rà soát tình trạng gian lận phân nhóm trang thiết bị để trúng thầu

Cứu đôi chân cho nam thanh niên ngã từ độ cao 4m

Cứu đôi chân cho nam thanh niên ngã từ độ cao 4m

Mạng lưới bệnh viện - 19/12/2023

Cứu đôi chân cho nam thanh niên ngã từ độ cao 4m

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới