Số người mắc Covid-19 vẫn tăng cao, đến chiều 5/8 là 185 nghìn trường hợp. Ðể tăng cường công tác điều trị, giảm số tử vong, Bộ Y tế thành lập hơn mười bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực (HSTC) Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Hiện các bệnh viện tuyến trung ương được giao phụ trách các đơn vị HSTC đang chạy đua với thời gian nhằm sớm đưa vào vận hành, tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19.
Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 13, ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi được chứng kiến tinh thần làm việc rất khẩn trương của hàng trăm công nhân để công trình trung tâm HSTC ở đây được bàn giao đúng tiến độ. Ðại diện đơn vị thi công cho biết, để kịp bàn giao cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (đơn vị được Bộ Y tế giao đảm trách vận hành trung tâm), 1.200 công nhân được huy động làm việc liên tục ba ca. Thời gian thi công ngắn, khối lượng công việc lớn, nhưng đội ngũ kỹ sư, công nhân đều tập trung cao độ với mong muốn hoàn thành đúng tiến độ công việc. Ðến chiều 4/8, đơn vị thi công bàn giao cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ba dãy nhà gồm khu điều hành, khu xét nghiệm và khu vực thay đồ, nghỉ ngơi của nhân viên y tế; ngày 5/8, bàn giao thêm hai khu điều trị thở máy (mỗi khu 50 giường).
Sáng 5/8 hơn 300 y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh để chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh Covid-19 tại Trung tâm HSTC Covid-19. Ðây là đội quân tinh nhuệ mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức chi viện vào TP Hồ Chí Minh, là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa… và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ngay sau khi có mặt, các chuyên gia, kỹ sư của bệnh viện cùng các bên liên quan nhanh chóng bắt tay vào thiết lập và lắp đặt các công đoạn kỹ thuật. PGS,TS Ðồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, người đang trực tiếp điều hành "công trường" thiết lập Trung tâm HSTC Covid-19 cho biết: Chúng tôi đang chạy đua cùng thời gian, nỗ lực cao nhất có thể nhằm nhanh chóng hoàn thiện các công việc kỹ thuật để có thể vận hành nhanh nhất trung tâm.
Trưa 3/8, các y, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chuẩn bị những công đoạn cuối để vận hành Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 quy mô 250 giường đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong vòng 36 giờ, toàn bộ trang thiết bị, thuốc men đã tập trung về đây sau khi Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ; 50 máy thở đã được đưa vào lắp đặt, vận hành… Với chức năng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch, Bệnh viện đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chuyển đến đây những máy móc phục vụ hồi sức hiện đại nhất bao gồm hệ thống máy thở, bình ô-xi, máy lọc máu. Ðến nay, việc thiết lập Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 cơ bản đã hoàn chỉnh, đi vào hoạt động và đón những người bệnh Covid-19 đầu tiên đến điều trị. Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động 50 đến 70 giường bệnh và sẵn sàng nâng lên 250 giường.
Tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP Hồ Chí Minh), Bộ Y tế cũng thiết lập Trung tâm HSTC Covid-19 với 500 giường và giao Bệnh viện Bạch Mai đảm trách. Ngày 3/8, gần 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt và nhanh chóng bắt tay vào công việc, tích cực chuẩn bị để đưa khu HSTC vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Ðáng chú ý, các trang thiết bị máy móc, vật tư y tế đã được đưa từ Bắc Giang vào đến Bệnh viện dã chiến số 16 đang được đội ngũ kỹ sư lắp đặt, hiệu chỉnh để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Ðoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện dã chiến số 16 gồm đầy đủ các chuyên khoa từ Hồi sức, Cấp cứu, Truyền nhiễm, Sản, Nhi… với những cán bộ đã có kinh nghiệm chống dịch tại nhiều "chiến trường" Ðà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh…
Trước tình hình số ca mắc có xu hướng gia tăng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Y tế đã triển khai thành lập trung tâm HSTC tại Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long… Tại Vĩnh Long, Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 có quy mô 250 giường bệnh được Bộ Y tế giao Bệnh viện Nhi T.Ư phụ trách; là tuyến cuối trong bậc thang điều trị Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận. Trung tâm có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở trong khu vực được phân công. PGS, TS Trần Minh Ðiển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đang có mặt tại Vĩnh Long để phối hợp chính quyền địa phương, Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long triển khai huy động nguồn nhân lực và chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc để trung tâm có thể vận hành trong thời gian sớm nhất. PGS, TS Trần Minh Ðiển cho biết: Chúng tôi triển khai theo phương án thiết lập trung tâm quy mô nhỏ rồi từng bước mở rộng, tăng số lượng giường bệnh đến quy mô Bộ Y tế quyết định. Ngoài 24 thầy thuốc Bệnh viện Nhi T.Ư tăng cường vào, đội ngũ nhân lực tại trung tâm được huy động từ các đơn vị y tế trên địa bàn cùng tham gia. Ngay ngày 5/8, Trung tâm HSTC chính thức tiếp nhận 54 người bệnh Covid-19 vào điều trị, trong đó có 25 người cần theo dõi sát. Các bác sĩ đang tập trung theo dõi sát các mức độ chuyển nặng, như nhịp thở, SpO2, nhịp tim, tri giác… để can thiệp ngay khi có dấu hiệu nặng; tránh để tình trạng nặng kéo dài khi cấp cứu sẽ không kịp và khó hồi phục.
Bình Dương đang là một trong những địa phương có số ca mắc cao nên công tác điều trị được ngành y tế và chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt. Do số người bệnh nhiều, chắc chắn số ca chuyển nặng sẽ cao, cho nên trong chuyến kiểm tra thực địa về công tác phòng, chống dịch mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định thành lập Trung tâm HSTC tại Bình Dương có quy mô 500 giường bệnh và giao PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội làm Giám đốc Trung tâm này. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tập trung hoàn thiện mặt bằng, lắp đặt nội thất, trang thiết bị… PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, các lực lượng tham gia xây dựng đang làm việc liên tục 24 giờ trong ngày và dự kiến ba tuần nữa trung tâm sẽ được đưa vào vận hành. Về nguồn nhân lực, trung tâm cần khoảng 1.000 người, do vậy ngoài lực lượng từ Bệnh viện đại học Y Hà Nội tăng cường vào sẽ có sự tham gia của lực lượng y tế của các đơn vị y tế trên địa bàn Bình Dương, hệ thống y tế Becamex, Bộ Y tế điều động và tình nguyện viên...
Ngoài Trung tâm HSTC tại Bình Dương, Bệnh viện đại học Y Hà Nội được giao triển khai xây dựng Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội quy mô 500 giường bệnh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện các đơn vị xây dựng, lắp đặt trang thiết bị cũng làm việc liên tục 24 giờ trong ngày để khoảng bốn tuần nữa sẽ chính thức đi vào vận hành. Ðội ngũ nhân lực vận hành Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội sẽ đến từ Bệnh viện đại học Y Hà Nội và các đơn vị y tế trên địa bàn Thủ đô. Khi đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ là đơn vị tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực thành phố Hà Nội; thực hiện chức năng Trung tâm HSTC Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.