Hội chẩn qua nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa
Đây là bệnh nhân đầu tiên được hội chẩn trên nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, khai trương sáng 18/4. Từ đầu cầu Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn cho một bệnh nhân ở Hà Tĩnh. Bệnh nhân 31 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, từ Nhật về ngày 1/3.
Tại đầu cầu Hà Tĩnh, bác sĩ Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh, cho biết bệnh nhân được cách ly tại nhà đến ngày 10/3 thì sốt, ho, có đờm, chưa dùng thuốc. Khi đến bệnh viện tỉnh thăm khám, bệnh nhân được cách ly, xét nghiệm nCoV hai lần đều âm tính. Sau khi điều trị, anh được ra viện.
Ngày 10/4, bệnh nhân sốt trở lại, đến bệnh viện tiếp tục được cách ly, xét nghiệm nCoV vẫn âm tính. Kết quả kiểm tra, các bác sĩ thấy có tổn thương phổi, nghi viêm phổi, lao phổi, chưa loại trừ ung thư.
"Chúng tôi gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị", bác sĩ Phú nói.
Ngay lập tức, toàn bộ kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán... của bệnh nhân được chuyển đến Hà Nội qua hệ thống PACS/Tele-radiology.
Tiến sĩ Lê Tuấn Linh, Trưởng Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, nhận định phim chụp cắt lớp 3D không phát hiện tổn thương ở ngực, xương. Tổn thương chính ở nhu mô phổi, có đám tổn thương dạng đông đặc, cùng nhiều tổn thương dạng "chồi cây".
"Tôi nghĩ bệnh nhân này bị lao phổi", tiến sĩ Linh chẩn đoán.
Tiến sĩ Linh cho biết để chẩn đoán lao, phải cấy đờm cho bệnh nhân để làm xét nghiệm. Các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có thể làm được điều này. Sau khi có kết quả cấy đờm, các bác sĩ làm kháng sinh đồ để điều trị, bệnh nhân không cần chuyển viện.
Sau khi bệnh nhân được các chuyên gia tại Hà Nội hội chẩn, kết quả được đưa vào hệ thống. Tại Hà Tĩnh, bệnh nhân và nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu bằng tài khoản và mật khẩu của mình.
Nhà ông Hoàng Bùi Chấn ở Quảng Xương, Thanh Hóa, sáng nay cũng được kết nối trực tiếp đến Hà Nội thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Ông Chấn 86 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, thỉnh thoảng chảy máu mũi, đau khớp.
Tại nhà, ông được một bác sĩ và người nhà đo huyết áp, nhịp tim, nội soi tai mũi họng bằng thiết bị đặc biệt là một ống nghe. Thiết bị này có khả năng khuếch đại tiếng tim, phát về trung tâm tại Đại học Y Hà Nội. Hình ảnh nội soi cũng được truyền về để các bác sĩ từ xa xem và nghe trực tiếp.
Huyết áp của ông cụ khá cao. Các bác sĩ xem điện tâm đồ, chẩn đoán bệnh mạch vành mạn tính, không có dấu hiệu cấp tính, chỉ cần dùng thuốc, chưa phải trường hợp cần cấp cứu ngay. Kết quả nội soi tai mũi họng của bệnh nhân cũng không có bất thường. Tình trạng chảy máu mũi có thể do điều chỉnh huyết áp chưa tốt. Bệnh nhân cần uống thuốc theo phác đồ trong hai tuần, theo dõi tình hình và sắp xếp đến bệnh viện khi tình trạng chảy máu vẫn còn.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường lượt bệnh nhân khám theo lịch hẹn qua tổng đài chiếm 15-20% lượng khám trong ngày. Hiện do dịch bệnh, số bệnh nhân đặt lịch hẹn khám nhưng không đến viện ngày càng tăng, một số người đã tử vong do nhồi máu cơ tim cấp do không đến bệnh viện.
Việc ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân kịp thời được kiểm tra, kiểm soát sức khỏe.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ứng dụng công nghệ thông tin đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Điển hình, tất cả bệnh nhân nặng đều được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến thường xuyên tại Trung tâm quản lý, điều hành đặt tại Cục Quản lý, khám chữa bệnh. Đến nay, các bệnh nhân nặng đều đã qua cơn nguy kịch.
"Với những nỗ lực trong điều trị, hiện Việt Nam là một trong hai quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận trên 200 ca mắc Covid-19 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong", Thứ trưởng Y tế nói.
Thứ trưởng nhấn mạnh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, hỗ trợ chuyên môn trực tuyến nên không còn khoảng cách trong Nam ngoài Bắc, không phân biệt tuyến trên hay tuyến dưới, cả bệnh viện tuyến huyện cũng được hội chẩn với các chuyên gia.
Khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ngành y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh. Tuy nhiên việc triển khai chưa đồng bộ.
Do đó, sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp người bệnh dù ở nhà thực hiện giãn cách xã hội vẫn được chăm sóc y tế, vẫn được khám chữa bệnh, bác sĩ tuyến dưới vẫn nhận được những tư vấn rất giá trị từ bác sĩ tuyến trên.
Lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông cho biết nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến phát triển đáp ứng 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành, gồm: Tư vấn y tế; hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh; hội chẩn tư vấn phẫu thuật; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh từ xa.
Nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu. Vì vậy, nền tảng có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đối số trong lĩnh vực y tế.
Các bệnh viện triển khai kênh khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ giỏi nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là "bước khởi đầu rất tốt", không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn chống dịch hiện nay mà sẽ làm thay đổi rất nhiều hoạt động khám chữa bệnh sau này, giúp tăng cường vai trò y tế cơ sở.
"Nếu mở rộng toàn quốc, tôi tin không chỉ tại Việt Nam mà giải pháp này có thể phát triển ở nhiều thị trường khác trên thế giới", Phó Thủ tướng nói.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bộ Y tế chỉ đạo vụ BV K bị tố "vét những đồng tiền cuối cùng trong túi bệnh nhân ung thư"
Mạng lưới bệnh viện - 22/08/2024
Bộ Y tế chỉ đạo vụ BV K bị tố "vét những đồng tiền cuối cùng trong túi bệnh nhân ung thư"
Bệnh viện Hồng Ngọc bị tố không phát hiện ung thư: Bệnh nhân có thể khiếu nại, khởi kiện
Mạng lưới bệnh viện - 16/08/2024
Bệnh viện Hồng Ngọc bị tố không phát hiện ung thư: Bệnh nhân có thể khiếu nại, khởi kiện
Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm chất lượng khối bệnh viện công tăng, tư nhân giảm
Mạng lưới bệnh viện - 17/07/2024
Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm chất lượng khối bệnh viện công tăng, tư nhân giảm
Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng
Mạng lưới bệnh viện - 26/02/2024
Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng
Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở
Mạng lưới bệnh viện - 23/02/2024
Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở