29 người tử vong vì sốt xuất huyết, lo ngại bùng dịch
Vào chu kỳ dịch sốt xuất huyết
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 47.821 trường hợp.
So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm mùa dịch do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Theo dõi SXHD tại nhà cần lưu ý:
1. Nên làm gì?
- Nghỉ ngơi tại giường; Uống đủ nước ( 5 cốc đối với người lớn hoặc tính theo trẻ em).
- Dùng sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (ORS) và nước cơm.
- Uống nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải.
- Uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo trẻ em).
- Chườm ấm.
- Tìm và diệt nơi muỗi đẻ trong và ở xung quanh nhà.
2. Nên tránh làm gì?
- Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu bạn đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sỹ.
- Không cần thiết uống kháng sinh.
3. Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần nhập viện: --Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo; Nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
“Mặc dù các cơ sở y tế đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhân viên y tế chưa kịp hồi sức, các cơ sở y tế không được chủ quan”, ông Khuê thông tin.
Thiếu thuốc đặc trị sốc sốt xuất huyết
Trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa gửi công văn phản hồi các sở y tế nhiều tỉnh, thành phố về những khó khăn trong việc cung ứng thuốc Dextran 40 Injection - dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết.
Cụ thể cuối năm 2020, cục đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi thuốc Dextran 40 Injection để đáp ứng nhu cầu điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Đến nay, theo thông tin từ nhiều bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành, thuốc Dextran 40 Injection đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/4/2022. Hiện tại, các bệnh viện không đặt được mặt hàng này do cơ sở nhập khẩu không có kế hoạch nhập khẩu tiếp.
Đại diện CPC1 còn cho hay, mặt hàng này không có sẵn nguồn nguyên liệu nên phải đặt hàng trước với nhà sản xuất từ 6 - 9 tháng. Hơn nữa, hàng lại chỉ có hạn dùng trong 18 tháng; hàng đến tay các bệnh viện chỉ còn hạn dùng trên 3 tháng nên công ty nhập khẩu luôn đối mặt rủi ro. Theo danh sách mà CPC1 cung cấp, cả nước có 125 cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký mua thuốc Dextran 40 Injection.
Trước thực trạng này, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, các chuyên gia đã họp xem xét và đề xuất tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 dalton 6% hoặc Gelatin succinylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.
Đồng thời, củng cố các phác đồ điều trị và cùng các cục, vụ khác tìm các nguồn thuốc, hóa chất để đáp ứng nhu cầu điều trị các cơ sở y tế.
Theo BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, điều trị sốt xuất huyết nặng bằng thuốc Dextran 40 Injection đạt hiệu quả từ 80 - 90%, bệnh nhân nhanh hết sốc. Dung dịch HES 200 và Dextran 40 Injection đều do các công ty nước ngoài sản xuất để chuyên điều trị sốt xuất huyết. Do bệnh sốt xuất huyết chỉ có ở một số nước nên các cơ sở y tế Việt Nam đều phải phụ thuộc nguồn thuốc của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu.
HES 130 dùng phổ biến trong điều trị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng nhiều và phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng khi sử dụng HES 130 điều trị SXH nặng thì hiệu quả chỉ bằng 50% so với HES 200 và Dextran 40 Injection. Khi sử dụng loại này, bác sĩ sẽ phải theo dõi sát bệnh nhân và kết hợp với các thuốc khác.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh