4 bệnh nam khoa thường gặp nhất

Theo VnExpress 10:12 19/09/2020 - Phòng bệnh
Yếu sinh lý, rối loạn xuất tinh, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn là các bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới.

Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ, cho biết nhiều quý ông mắc các bệnh lý nam khoa song ngại chia sẻ với người khác, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Dưới đây là bốn bệnh nam khoa thường gặp:

Yếu sinh lý

Yếu sinh lý, thuật ngữ chuyên môn gọi là rối loạn cương, là tình trạng dương vật không có khả năng cương cứng hoặc không duy trì được trạng thái cương cứng khi quan hệ nam nữ. Thống kê tại Việt Nam cho thấy 15,7% đàn ông Việt yếu sinh lý. Bác sĩ cho biết tình trạng này hay gặp ở đàn ông trong độ tuổi trung niên.

Có nhiều nguyên nhân gây yếu sinh lý. Nguyên nhân chính là suy giảm nội tiết tố nam giới - testosterone. Testosterone suy giảm tự nhiên theo độ tuổi. Ngoài ra, nguyên nhân còn do công việc căng thẳng, các stress trong cuộc sống, thói quen lạm dụng các loại chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, hoặc các bệnh lý toàn thân người bệnh mắc phải như suy thận, tiểu đường, hay các bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục như quai bị, viêm đường tiết niệu mạn tính...

Yếu sinh lý không những ảnh hưởng tới vấn đề tình dục mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và thể lực của nam giới, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn do tinh trùng chất lượng kém. Nhiều người không thể có con do không thể quan hệ tình dục được.

Bệnh lý này có thể điều trị dứt điểm bằng cách khám, tìm nguyên nhân rồi kết hợp sử dụng thuốc với liệu pháp tâm lý. Người bệnh cần mạnh dạn đến bác sĩ khám và điều trị.

Rối loạn xuất tinh

Rối loạn xuất tinh chỉ trường hợp bị xuất tính sớm, xuất tinh muộn, không xuất tinh, xuất tinh ra máu, xuất tinh ngược, đau khi xuất tinh, di tinh...

Nhiều nguyên nhân gây rối loạn xuất tinh, trong đó có thể do các bệnh mắc phải như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn thần kinh, mất cân bằng nội tiết tố, suy thận, suy gan. Ngoài ra nghiện chất (nghiện rượu và ma túy) cũng là yếu tố hay gặp.

Các nhóm và các loại rối loạn xuất tinh khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Sau khi khám, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp với từng nhóm bệnh như dùng thuốc điều hòa xuất tinh, phẫu thuật, điều hòa tâm lý hoặc hỗ trợ sinh sản...

Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% số ca ung thư ở nam. Tuy nhiên đây là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới, thường phát sinh ở độ tuổi 25-50. Đến nay chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Các bác sĩ biết rằng ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến.

Đây là bệnh diễn tiến âm thầm qua nhiều năm nên rất khó phát hiện sớm. Trước đây, ung thư tinh hoàn có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khoảng 70%. Hiện nay, nhờ nhiều phương pháp trị liệu, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, nhiều trường hợp khỏi hẳn. U tinh hoàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Tinh hoàn ẩn trong ống bẹn, đặc biệt là ẩn trong ổ bụng, tỷ lệ ung thư cao hơn rất nhiều so với trường hợp tinh hoàn trong bìu. Khi trẻ nam sinh ra không sờ thấy tinh hoàn cần đến bệnh viện khám ngay để được điều trị sớm.

Bệnh có thể tự kiểm tra tại nhà, giống như phụ nữ tự khám ngực để tầm soát u vú. Nam giới có thể tự khám kiểm tra tinh hoàn hàng ngày, nếu dấu hiệu bất thường như thay đổi kích thước, sờ thấy khối cứng, không di động... cần tới bác sĩ nam khoa khám sớm.

Ung thư tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt nằm trong hệ sinh sản của nam giới, chức năng tạo chất dịch để nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng khi xuất tinh, đồng thời góp phần kiểm soát dòng nước tiểu.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Hầu hết tế bào ung thư tuyến tiền liệt thuộc loại ung thư biểu mô tuyến. Ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển rất chậm, không có biểu hiện ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn.

Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu. Khi ấy bệnh còn nhẹ, bác sĩ sẽ điều trị loại bỏ các tế bào ung thư tận gốc, xạ trị, cắt bỏ tuyến hạch huyết ở vùng chậu. Kết hợp quá trình điều trị tích cực thì bệnh nhân có thể chữa khỏi bệnh.

Khi ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối, khả năng điều trị thành công thấp hơn nhiều. Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối gồm hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết tố, phẫu thuật cắt đi tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Mạnh khuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nam khoa, khi có biểu hiện bất thường, nam giới cần vượt qua ngại ngần và khám chuyên khoa nam học, tránh để lâu bệnh thành mạn tính, khó chữa và ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Phòng bệnh - 27/12/2024

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới