Bệnh nhau tiền đạo

Cái tên nghe như thuật ngữ bóng đá thực ra là một bệnh khá nguy hiểm đối với thai phụ.
Nhau tiền đạo - Ảnh minh họa
Nhau tiền đạo - Ảnh minh họa

 

Nguy hiểm cho cả mẹ và con

Bình thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung. Trong trường hợp nó bám xuống đoạn dưới, che một phần hay che kín cổ tử cung thì được gọi là nhau tiền đạo.

Sự nhanh nhảu đoảng của đoạn nhau này, không may khiến cho đa phần các mẹ phải sống trong sợ hãi nếu đã biết rõ sức phá hoại của nó.

Đối với mẹ: Nguy cơ của nhau tiền đạo là xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong (tại Việt Nam tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,16%); rối loạn đông máu, có thể xảy ra, nhưng ít gặp ở nhau tiền đạo, ngay cả khi nhau bong theo diện rộng.

Các nghiên cứu y khoa phỏng đoán Thromboplastin – yếu tố thúc đẩy đông máu nội mạch – trong nhau tiền đạo đã được thoát ra ngoài kênh cổ tử cung chứ không đi vào tuần hoàn của người mẹ.

Đối với con: Thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì bác sĩ cũng quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ, vì thế thai non tháng là một lý do chính làm cho tỷ lệ tử vong của con còn khá cao. Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng chiếm tỉ lệ là 30 – 40%.

Chưa kể vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang…

Tuy nhiên, nhau tiền đạo có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào việc siêu âm và thăm khám. Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo… bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.

Các vị trí nhau tiền đạo - Ảnh minh họa
Các vị trí nhau tiền đạo - Ảnh minh họa

 

Phân loại bệnh

Tuỳ theo vị trí mép nhau so với lỗ trong cổ tử cung mà có nhiều hình thái nhau tiền đạo khác nhau:

Nhau bám thấp: Phần lớn bánh nhau bám vào thân tử cung, chỉ có một phần bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, nhưng mép nhau chưa ăn lan đến lỗ trong cổ tử cung. Loại này ít có biểu hiện ra ngoài, ít gây chảy máu hoặc chỉ gây chảy máu nhẹ, thường gây vỡ ối sớm.

Nhau bám bên: Phần lớn bánh nhau bám vào đoạn dưới, nhưng bờ của bánh nhau chưa tới lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhẹ, tái phát trong quá trình có thai. Từ mép bánh nhau đến chỗ rách màng ối để thai ra nhỏ hơn 10cm.

Nhau bám mép: Còn gọi là nhau bám bờ, bờ của bánh nhau nằm sát mép lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhiều. Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở có thể sờ thấy mép bánh nhau.

Nhau tiền đạo bán trung tâm hay nhau tiền đạo trung tâm không hoàn toàn: Khi cổ tử cung mở hết, một phần nhau che lỗ trong cổ tử cung, có thể sờ thấy màng ối và sờ thấy múi nhau. Loại này gây chảy máu rất nhiều và cản trở đường thai ra.

Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: Bánh nhau che kín toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Thăm khám âm đạo chỉ thấy tổ chức nhau, không thấy được màng nhau. Loại này chảy máu dữ dội, cần phẫu thuật kể cả phải bỏ con để cứu tính mạng của mẹ.

Một vài trường hợp người mẹ lười siêu âm, đến 3 tháng cuối thai kỳ đột ngột bị ra máu mới phát hiện nhau tiền đạo. Triệu chứng ra máu của nhau tiền đạo có thể nhiều hoặc ít, máu đông cục, không kèm theo đau bụng, tình trạng lặp lại, lần sau thường ra nhiều hơn lần trước...

Các bác sĩ sản thường khuyên tất cả bà bầu, chỉ cần ra máu trong thời gian 9 tháng, bất kể ít nhiều, sớm, muộn, đỏ, tím, đau bụng hay không đau, đều nên đi khám, bởi thường nó là một dấu hiệu báo bất thường ở thai nhi.

Nguyên nhân của nhau tiền đạo

Nguyên nhân chính xác của bệnh này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu y khoa tổng kết, những người hay bị nhau tiền đạo thường nằm trong nhóm:

- Sinh nhiều lần.

- Nạo thai, sẩy thai nhiều lần.

- Viêm nhiễm tử cung trước đó.

- Có nhau tiền đạo lần mang thai trước...

Nếu bị nhau tiền đạo, tùy theo mức độ ra máu và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm.

Nếu được dưỡng thai thêm: thai phụ cần nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng.

Nếu được điều trị đúng và kịp thời, đa số các trường hợp nhau tiền đạo vẫn có thể mẹ tròn con vuông.

BS. ĐỖ TIẾN DŨNG

(BV Bưu điện Hà Nội)

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Phòng bệnh - 22/10/2024

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Phòng bệnh - 11/10/2024

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Phòng bệnh - 08/10/2024

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới