Các địa phương cần lưu ý gì khi triển khai cách ly F0 tại nhà?
Chủ trương phù hợp, giảm tải cho các cơ sở điều trị
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, việc cách ly F0 tại nhà phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong đợt dịch tăng cao. Lợi ích lớn nhất của chiến lược này giúp giảm tải cho hệ thống y tế, để các bệnh viện tập trung điều trị ca nặng.
Việc cách ly này được triển khai với những F0 bảo đảm đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra trách nhiệm lớn với các nhân viên y tế địa phương trong công tác theo dõi liên hệ với người F0 cách ly tại nhà, phát hiện sớm những biến đổi bất thường.
Việc cách ly F0 tại nhà được Bộ Y tế đồng ý cho thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ nửa đầu tháng 7/2021. Trong quá trình thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã yêu cầu thành phố sau khi sàng lọc, đồng ý cho các bệnh nhân cách ly F0 tại nhà phải được cấp túi thuốc nhỏ có các loại thuốc như: hạ sốt, giảm ho, nhỏ mũi...
Thứ trưởng đánh giá, sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tương đối tốt về cách ly F0 tại nhà. Bộ Y tế đã có hệ thống những hướng dẫn, lời khuyên được xây dựng rất bài bản về cần chuẩn bị cho F0 cách ly tại nhà cho TP Hồ Chí Minh.
“Hiện TP Hồ Chí Minh đã có hơn 30 nghìn F0, F1 cách ly tại nhà. Công tác đáp ứng của thành phố được nâng cao lên rất nhiều như Hệ thống cấp cứu 115, Tổng đài 1022… Tổng đài của Hội Thầy thuốc trẻ cũng đã quy tụ hơn 3.000 bác sĩ trên địa bàn cả nước tham gia tư vấn cho các F0 rất hiệu quả”, Thứ trưởng cho hay.
Để chuẩn bị cho việc triển khai chính thức cách ly F0 tại nhà, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.
Ngày 6/8, Tổ công tác của Bộ Y tế đã có buổi tập huấn, hướng dẫn cho các phường của quận Bình Tân về việc vận hành và hoạt động các tổ phản ánh ứng nhanh cấp phường. Các tổ này như cánh tay đắc lực từ cơ sở góp phần quan trọng trong công tác quản lý sức khỏe người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Các tổ phản ứng nhah tại mỗi phường sẽ gồm bác sĩ, điều dưỡng của Trạm y tế, Trung tâm y tế, bệnh viện… công an, đoàn viên. Trong đó nhân viên y tế chịu trách nhiệm chính trong sơ cấp cứu. Bất kể khi nào nhận được cuộc gọi của người dân trên địa bàn, tổ phản ứng nhanh phải đánh giá mức nguy cơ và dựa vào triệu chứng người gọi để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân.
Đến nay, sau lời hiệu triệu của Bộ Y tế, có gần 8.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch, đặc biệt một lực lượng không nhỏ tình nguyện tham gia công tác tư vấn cho người bệnh qua các tổng đài. “Đây là sự chi viện rất đáng quý, nên khuyến khích sự tham gia của nhiều tình nguyện viên hơn nữa và các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức một cách tốt hơn”, Thứ trưởng nói.
Khi nhân rộng cách ly F0, các địa phương cần phải tổ chức tốt công tác giám sát
Sau khi thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, ngày hôm qua (7/8), Bộ Y tế đã có văn bản chính thức cho các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo việc triển khai cách ly F0 tại nhà với các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30).
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Việc triển khai cách ly F0 tại nhà hoàn toàn hợp lý, nên được phát triển ở các địa phương khác ngoài TP Hồ Chí Minh. Đây là một sự chuẩn bị lớn của ngành y tế vì dù cách ly F0 tại nhà nhưng cũng yêu cầu ngành y tế phải bảo đảm cho người bệnh sẵn sàng các phương tiện hồi sức cấp cứu”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc cách ly này nên triển khai ở những địa phương có dịch tăng cao, chủ yếu với các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Khi số ca nhiễm tăng nhanh, khi năng lực đáp ứng của các cơ sở tập trung còn hạn chế thì các địa phương có thể xem xét triển khai áp dụng cách ly F0 tại nhà.
“Các địa phương cũng phải lưu ý, việc cách ly F0 tại nhà là thách thức với ngành y tế phải tăng cường biện pháp y tế hỗ trợ người cách ly F0 tại nhà, đừng để họ bị ảnh hưởng đến bệnh lý nặng hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, đòi hỏi các địa phương khi triển khai phải tổ chức tốt các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng. Các trường hợp F0 khi cách ly tại nhà cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khoảng 80% trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng sẽ tự ổn định trong vòng 1-2 tuần. Có những người gặp những triệu chứng thoáng qua như sốt nhẹ, tiêu chảy nhẹ, mất khứu giác,… cũng thường đỡ trong vài ngày nên việc cách ly tại nhà sẽ giảm tải cho cơ sở điều trị, giảm nhân lực hậu cần và đỡ tốn kém về kinh tế.
Tuy nhiên, những bệnh nhân này vẫn còn nhiều nguy cơ lây cho người khác, do đó địa phương phải theo dõi rất sát sao về điều kiện cách ly của F0 và theo dõi diễn biến bất thường của người bệnh để can thiệp kịp thời. Ý thức của người được cách ly tại nhà cũng rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân, cho người thân trong gia đình và cộng đồng.
Ngày 29/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà”.
Theo đó, sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trường hợp 1 là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 07 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục.
Trường hợp 2 là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ốn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Theo hướng dẫn này, nhiệm vụ của các cơ sở y tế và chính quyền địa phương được phân công một các cụ thể, rõ ràng trong việc lập nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho F0; Trung tâm y tế tổ chức đường dây tiếp nhận cuộc gọi của F0 (khi cần) hoạt động 24/7 để hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà; Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu của F0 khi có triệu chứng nặng tại nhà; Trung tâm y tế chịu trách nhiệm tổ chức lấy mẫu tại nhà cho người mắc Covid-19 vào ngày thứ 14 để làm xét nghiệm test nhanh hoặc PCR để kết thúc thời gian cách ly tại nhà nếu kết quả âm tính; Thành lập Tổ phản ứng nhanh...
THIÊN LAM
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh