Cách ly thế nào để tránh lây lan dịch bệnh
Theo của Bộ Y tế, áp dụng từ ngày 16/12/2021, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ (trừ trẻ em dưới hai tuổi); khai báo y tế; cài đặt ứng dụng PC Covid để theo dõi sức khỏe.
Người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc F0 đã khỏi bệnh, trong ba ngày đầu tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (không phải cách ly tập trung), không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Những người này lấy mẫu xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba; nếu kết quả dương tính thì xử trí theo quy định về ca nhiễm; nếu âm tính thì tự theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; xét nghiệm PCR hai lần vào ngày thứ ba và thứ 7. Nếu âm tính sẽ tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.
Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, họ cần tuân thủ 5K (đeo khẩu trang - khai báo y tế - khử khuẩn tay thường xuyên - không đến nơi đông người - không tụ tập). Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... báo ngay cho y tế địa phương.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) quy định hiện nay đã được Bộ Y tế cân nhắc kỹ lưỡng mới nới lỏng, nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và diễn tiến dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn "khoảng trống" có thể dẫn đến việc dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào cộng đồng. Cụ thể, ba ngày đầu tiên sau nhập cảnh người dân dễ dàng thực hiện "cách ly tuyệt đối" - không ra khỏi nơi cách ly, không tiếp xúc người khác vì thời gian này ngắn. Song trong 11 ngày tiếp theo, mức độ giám sát giảm xuống (chỉ cần tự theo dõi sức khỏe, 5K), kết quả xét nghiệm âm tính có thể khiến người dân chủ quan, vi phạm quy định.
Trường hợp người phụ nữ nhập cảnh có tiếp xúc với ba đầu tiên tại TP HCM, Sở Y tế cho rằng người này đã thực hiện đúng quy định trong ba ngày đầu sau nhập cảnh, nhưng sau đó đã vi phạm quy định khi trở về nhà ở TP HCM. "Qua quá trình điều tra truy vết, lực lượng chức năng phát hiện người phụ nữ đi nhiều nơi, có tụ tập đông người", Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói tại cuộc họp báo chiều 20/1.
Phòng tránh lây nhiễm cho người khác
Bác sĩ Tiến phân tích, một chu kỳ lây nhiễm chung của Covid-19 là 14 ngày, chủng Omicron có thời gian ủ bệnh và lây lan ngắn hơn, chỉ 2-5 ngày. Trong 3-7 ngày tự cách ly đầu tiên và lấy mẫu xét nghiệm, có thể bệnh nhân đang ở giai đoạn ủ bệnh, virus chưa nhân lên và chưa gây ra triệu chứng nên kết quả xét nghiệm âm tính giả. Ở giai đoạn tiếp theo, virus đã nhân lên trong cơ thể (dù có triệu chứng hay không) vẫn có thể lây nhiễm cho người khác nếu tiếp xúc gần, không 5K.
"Có kết quả âm tính chưa chắc đã an toàn, người nhập cảnh nên nghĩ mình vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao trở thành nguồn lây nhiễm, để tự nâng cao ý thức phòng chống dịch, thay vì chờ cơ quan chức năng, địa phương giám sát", bác sĩ Tiến nói.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết, thực tế rất khó để có thể ngăn chặn được Covid-19 ở mức 100%, chỉ có thể làm giảm đến mức tối thiểu khả năng lây lan dịch. Khả năng lây lan Covid-19 từ ca nhập cảnh vào cộng đồng luôn tồn tại. Đây chính là lý do nhà nước kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay quốc tế, các ca nhập cảnh từ nước ngoài. Thời gian 3 ngày tự cách ly tuyệt đối, 11 ngày tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú thuận lợi cho người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine, nhưng cũng là thách thức để kiểm soát lây lan.
Các chuyên gia khuyến cáo trước khi nhập cảnh, người dân cần sắp xếp sẵn phương án tự cách ly, theo dõi sức khỏe, như chuẩn bị phòng cách ly riêng nếu ở chung nhà với người khác; đặt đồ ăn online; hẹn làm việc trực tuyến... Hạn chế ra khỏi nơi lưu trú và tiếp xúc với người khác. Tình huống bất khả kháng phải gặp gỡ trực tiếp thì hai bên phải tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Nếu cần phải di chuyển trong thời gian này, cố gắng đi xe riêng, hạn chế đi máy bay, xe khách vì đây là không gian kín, dùng máy lạnh, nguy cơ lây lan cao. Trong những ngày tự theo dõi sức khỏe, người dân nên tự test nhanh Covid-19 thêm vào ngày 7, 14. Nếu kết quả đều âm tính, lúc đó giao lưu, tiếp xúc cộng đồng sẽ an toàn hơn.
Nên chủ động khai báo y tế hàng ngày để cơ quan chức năng nắm bắt và có phương án xử lý sớm. Phó giáo sư Dũng dẫn chứng, ba ca Omicron đầu tiên ghi nhận trong cộng đồng đã có ý thức khai báo y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ. Từ đó thành phố kịp thời giám sát, truy vết dịch tễ, giải mã trình tự gene virus xác định chủng virus. "Nếu họ không khai báo sớm thì tình huống phát sinh dịch bệnh sẽ còn rắc rối hơn rất nhiều", ông Dũng nói.
Sáng 24/1 TP HCM ghi nhận thêm 3 ca Omicron cộng đồng liên quan đến chùm ca nhiễm biến chủng trước đó; Bình Dương ghi nhận một ca Omicron nhập cảnh. Như vậy, số ca biến chủng mới ghi nhận tại Việt Nam lên 139 tại: TP HCM 71 (gồm 5 ca cộng đồng, 66 ca nhập cảnh), Quảng Nam 27, Hà Nội 14, Khánh Hòa 11, Đà Nẵng 8, Thanh Hóa và Quảng Ninh 2, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bình Dương đều một và là người nhập cảnh cách ly ngay.
Thư Anh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?