Cần lưu ý điểm gì khi trẻ mắc bệnh bạch hầu

Theo Nhân Dân 09:36 16/07/2024 - Phòng bệnh
NDO - Bệnh bạch hầu ở trẻ em có xu hướng xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Bác sĩ khuyến cáo, ngay cả khi trẻ được chữa khỏi bệnh bạch hầu vẫn cần theo dõi sát sao trẻ vì biến chứng vẫn có thể xảy ra.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Những dấu hiệu bệnh bạch hầu ở trẻ

Bệnh bạch hầu ở trẻ em (Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu với các triệu chứng điển hình gồm: sự hình thành giả mạc dày, có màu trắng ngà bám chặt ở vùng hầu họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản và mũi. Một số trường hợp, bệnh gây ảnh hưởng đến da và niêm mạc ở những khu vực khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục…

Các tổn thương khi mắc bệnh không chỉ xuất phát từ nhiễm trùng mà còn gây ra bởi độc tính từ vi khuẩn bạch hầu, khiến người bệnh suy hô hấp, suy tuần hoàn, liệt màn khẩu cái, thậm chí là tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ tử vong do bệnh bạch hầu cao, lên đến 20% trong 6-10 ngày. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót nhưng trẻ vẫn cần theo dõi và điều trị biến chứng lâu dài.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hạnh Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, mức độ nghiêm trọng của bệnh bạch hầu ở trẻ em phụ thuộc vào khả năng sản sinh và tiết ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu khi nhiễm phải một loại virus mang gen mã hóa tạo độc tố mạnh. Ngoại độc tố này gây ức chế tổng hợp protein, phá hủy mô và hình thành giả mạc dày, dai, có màu trắng ngà/trắng xám.

Giả mạc thường xuất hiện và bám chặt vào vùng hầu họng, tuyến hạch nhân, lưỡi và thanh quản của người bệnh. Bệnh diễn tiến nặng, ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể đi vào máu, phát tán khắp cơ thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm phổi, tổn thương thần kinh, liệt cơ…

Ngược lại, nếu trẻ chỉ nhiễm vi khuẩn bạch hầu và không nhiễm phải virus nguy hiểm, vi khuẩn sẽ không sản sinh độc tố; các triệu chứng bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, tương tự như viêm mũi họng thông thường, không tạo giả mạc.

"Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu từ 2 đến 5 ngày, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng bao gồm suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn, và các vấn đề về nuốt và nói. Bệnh nhi có thể hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời", bác sĩ Trang cho hay.

Các dấu hiệu cha mẹ cần chú ý:

Một là, bạch hầu họng. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, đau họng. Khoảng 2 -3 ngày sau đó, ở vùng vòm họng, amidan xuất hiện giả mạc dày, dai và có màu trắng xanh. Khi bệnh diễn tiến nặng, trẻ có thể có triệu chứng sưng hạch cổ, sưng vùng dưới hàm; tiếp đó là tái xanh, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.

Hai là, ở trẻ bị bạch hầu thanh quản, giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc khu vực vòm họng lan rộng xuống phía dưới gây tắc nghẽn đường thở, khiến trẻ sốt nhẹ, ho, khàn tiếng. Giả mạc hình thành ở vách ngăn mũi khiến trẻ chảy nước mũi, dịch mũi hôi và đôi khi có máu ở trẻ bị bạch hầu mũi. Trẻ bị bạch hầu thanh quản và mũi thường có biểu hiện khò khè, khó thở, dễ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ba, bạch hầu ngoài da rất hiếm gặp. Khi mắc bệnh, vùng da nhiễm khuẩn sẽ đỏ, đau tương tự các bệnh nhiễm trùng da thông thường khác. Vết loét do bạch hầu gây ra được bao phủ bởi một lớp màng màu xám.

Một số trường hợp trẻ mắc bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), trẻ vừa nhiễm trùng và nhiễm độc nặng, có biểu hiện sốt cao nguy hiểm. Giả mạc trắng ngà lan rộng nhanh chóng. Hạch cổ sưng to có thể gây biến dạng cổ (cổ bạnh).

Biến chứng đáng lưu ý của bệnh bạch hầu ở trẻ

Bác sĩ Trang khuyến cáo, bệnh bạch hầu ở trẻ em có diễn tiến nhanh, nguy cơ cao gây biến chứng, thậm chí tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách.

Các thường gặp gồm: Viêm cơ tim thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc có thể xuất hiện muộn hơn, sau vài tuần khi trẻ khỏi bệnh. Nếu biến chứng viêm cơ tim xuất hiện từ những ngày đầu phát bệnh, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Các biến chứng về tim mạch như viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim xảy ra ở khoảng 30% trường hợp mắc bệnh bạch hầu có diễn tiến nặng.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động, có thể hồi phục hoàn toàn nếu trẻ được chữa trị sớm, đúng cách. Khoảng 5% trường hợp mắc bệnh nặng gặp phải biến chứng này.

Trẻ có thể liệt màn khẩu cái (màn hầu), thường xuất hiện vào tuần thứ 3 khi phát bệnh; liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ hoành, cơ chi thường xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh; viêm kết mạc mắt thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi.

Trẻ có thể viêm phổi, suy hô hấp do liệt cơ hoành, tắc nghẽn đường thở; rối loạn chức năng bàng quang, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; tử vong.

Bệnh bạch hầu ở trẻ em sẽ được điều trị bằng thuốc, theo dõi và chăm sóc tích cực tại các cơ sở y tế. Việc điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ em nên được thực hiện tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối ưu nhất và giảm thiểu biến chứng.

Bác sĩ có thể kê một số thuốc để điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ em gồm thuốc kháng sinh và thuốc giải độc tố bạch hầu. Thuốc kháng sinh (penicillin, erythromycin…) có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ nhiễm trùng và giảm thời gian lây nhiễm bệnh. Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp có thể được chỉ định nhằm hỗ trợ cơ thể chống lại độc tố của bạch hầu.

Trẻ có thể cần hỗ trợ hô hấp (như đặt ống thở, mở khí quản) cho đến khi tình trạng viêm đường thở thuyên giảm.

Bệnh bạch hầu ở trẻ em hiện đã có phương pháp điều trị nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan như tim, thận và hệ thần kinh trong giai đoạn tiến triển. Đáng chú ý, ngay cả khi trẻ đang được điều trị, nguy cơ tử vong do bệnh bạch hầu vẫn cao, khoảng 3% trường hợp không qua khỏi, chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi.

Vaccine là “vũ khí sinh học” tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em. Tiêm chủng đủ mũi và tiêm nhắc lại theo thời gian khuyến cáo là cách phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2-3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.

Hiện nay, nước ta chưa có vaccine phòng bạch hầu đơn; trẻ được tiêm vaccine ngừa bệnh này bằng các loại vaccine phối hợp có kháng nguyên bạch hầu. Tùy vào độ tuổi của đối tượng tiêm ngừa, bác sĩ sẽ chỉ định loại vaccine và lịch tiêm phù hợp.

Sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng 4 mũi vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 16-18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc 1 mũi vaccine có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn đã hoàn thành lịch tiêm cơ bản cần tiêm một mũi 3 trong 1 sau đó nhắc lại một mũi mỗi 10 năm.

Nguồn: https://nhandan.vn/can-luu-y-diem-gi-khi-tre-mac-benh-bach-hau-post819084.html

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Phòng bệnh - 22/10/2024

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Phòng bệnh - 11/10/2024

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Phòng bệnh - 08/10/2024

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Cách nào phòng bệnh gút?

Cách nào phòng bệnh gút?

Phòng bệnh - 08/10/2024

Cách nào phòng bệnh gút?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới