Chống 'đãng trí'

Theo VnExpress 10:43 11/03/2021 - Phòng bệnh
Tình trạng nhớ trước quên sau thường xảy ra ở người lớn tuổi và điều này có thể được cải thiện bằng những cách đơn giản.

Theo bà Denise Park, giáo sư chuyên ngành khoa học hành vi và não bộ tại Đại học Texas, phần lớn mọi người đều bị đãng trí khi họ già đi, đặc biệt ở độ tuổi 60, 70. Đây là kết quả của những thay đổi nhỏ về tốc độ xử lý thông tin của não bộ. Sự thay đổi bắt đầu khi bạn 20 tuổi, khó nhận thấy lúc đầu, nhưng càng về sau càng rõ rệt.

Quên tên ai đó hay khó nhớ nhiều thứ cùng một lúc là điều bình thường của quá trình lão hóa và không phải dấu hiệu cho thấy bạn sắp mất trí. "Những biến chuyển sẽ không đe dọa cuộc sống thường ngày của bạn", bà Park cho hay.

Bộ não 60 tuổi chắc chắn sẽ không chạy tốt như thời còn 25, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bị suy giảm trí tuệ. Phần vỏ não trước - bộ phận tham gia xử lý ngôn ngữ và giải quyết vấn đề - bị co lại theo tuổi tác, nhưng hoạt động mạnh hơn khi bạn già đi.

"Có thể bạn có ít đất đai hơn, nhưng lại sử dụng nó nhiều hơn", Park nhận xét. Theo bà, có bằng chứng cho thấy những người lớn tuổi có thể tạo ra những đường dẫn truyền thần kinh mới để thay thế những đường dẫn cũ và tăng khả năng xử lý thông tin.

null

Elizabeth Zelinski, nhà tâm lý học tại Trường Lão khoa Leonard Davis thuộc Đại học Nam California, khuyến cáo: "Khi nói đến suy giảm nhận thức, hút thuốc có lẽ là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh và mạch máu của bạn, từ đó dẫn đến các vấn đề về trí nhớ". Các yếu tố liên quan đến tuổi tác như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và tình trạng ít vận động cũng ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ.

Một trong những cách tốt nhất để đầu óc minh mẫn là tập thể dục. Hoạt động thể chất đã được chứng minh có khả năng thúc đẩy quá trình hình thành các tế bào thần kinh mới, từ đó giúp đầu óc bạn nhạy bén. Vào năm 2012, bà Zelinski xuất bản một phân tích tổng hợp về các phương pháp cải thiện nhận thức ở người lớn tuổi. "Chúng tôi phát hiện tập thể dục cũng hiệu quả như mọi trò chơi rèn luyện trí não. Tập vừa phải hoặc đi bộ đều ổn", bà cho hay.

Theo Nghiên cứu về Lão hóa của Mayo Clinic (hệ thống y tế danh tiếng ở Mỹ), người trung niên hoặc người già tập thể dục vừa phải có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Một đánh giá về 46 thử nghiệm với hơn 5.000 người tham gia được công bố vào năm 2020, cũng ủng hộ tác động tích cực của việc tập luyện đối với trí nhớ. Một đánh giá năm 2017 về các thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng kết luận rằng người từ 50 tuổi trở lên có thể cải thiện nhận thức khi luyện tập với cường độ vừa phải (tập thể dục nhịp điệu hoặc rèn luyện sức mạnh).

Ngoài ra, bạn cũng có thể rèn luyện não bộ như luyện cơ bắp. Amit Lampit, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Melbourne, Úc, cho biết: "Rèn luyện nhận thức cũng giống như đưa bộ não của bạn đến phòng gym vậy". Theo đó, bạn sẽ trải qua các bài tập có tổ chức để thực hành xử lý thông tin, giúp cải thiện và duy trì khả năng nhận thức.

Tuy nhiên, hiệu quả từ những bài tập này có thể không áp dụng cho đời thực. Vượt qua bài kiểm tra trí nhớ trên máy tính liệu có giúp bạn nhớ tên ai đó nhanh hơn không? Thật khó để trả lời.

Walter Boot, một nhà tâm lý học tại Đại học Bang Florida, cho biết: "Những trò chơi trí não có thể giúp bạn cải thiện khả năng tư duy trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nhưng cuối cùng, chúng có thể không tạo ra thay đổi có ý nghĩa trong cách trí óc vận hành khi bạn già đi". Thay vào đó, ông cho rằng, những việc bạn làm trong thực tại, chẳng hạn như tương tác với thế giới và hòa nhập với xã hội, mới có ảnh hưởng quan trọng.

Boot là đồng tác giả một nghiên cứu năm 2016. Kết quả cho thấy người tham gia có những tiến bộ trong khuôn khổ các bài rèn luyện trí não. Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy bài tập mang đến sự cải thiện trong các công việc thực tế và khả năng nhận thức ngoài đời.

Khi một bài tập cho kết quả triển vọng, mọi người lại thấy nó quá khó và bỏ cuộc. Vì thế, điều quan trọng là tìm thử thách mà bạn có thể theo đuổi, một thứ vừa thách thức bộ não, nhưng cũng vừa cuốn hút. Đó có thể là học ngoại ngữ, nhạc cụ hoặc một sở thích mới đòi hỏi tư duy nâng cao.

Duy trì tương tác xã hội cũng rất hữu ích. Zelinski cho biết những người nghỉ hưu bị suy giảm nhận thức nhanh hơn những người tiếp tục làm việc. Đừng hiểu nhầm rằng nghỉ hưu là không tốt. Thay vì làm việc, bạn có thể tham gia một số hoạt động khác như làm tình nguyện. "Khi đến một bữa tiệc, bạn thực sự bước vào một bài tập nhận thức phức tạp. Bằng cách gặp gỡ những con người mới, ghi nhớ tên tuổi và những câu chuyện họ kể, bạn đang rèn luyện bộ não của mình", theo giáo sư Park.

Bên cạnh đó, thứ bạn ăn hàng ngày cũng đóng vai trò quan trong. Zelinski cho biết chế độ ăn Địa Trung Hải gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và dầu ô liu có thể giúp bộ não khỏe mạnh. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 đã theo dõi hơn 2.600 người và phát hiện ra rằng những người trưởng thành ăn theo kiểu Địa Trung Hải có khả năng nhận thức tốt hơn ở tuổi trung niên.

Tất cả những thứ làm suy yếu mạch máu đều làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Trong khi đó, chế độ ăn Địa Trung Hải thường được cho là hỗ trợ tim mạch và tuần hoàn khỏe mạnh. Điều này giải thích cho mối liên hệ trên. Phòng ngừa bệnh cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim thông qua cải thiện lối sống hay sử dụng thuốc đểu giúp bổ trợ trí não.

Tuy nhiên, bạn không thể trông chờ một viên thuốc thần kỳ giúp trẻ hóa bộ não. Theo Zelinski, khoa học vẫn chưa rõ vitamin hoặc chất bổ sung có thể tăng cường nhận thức. Hiện không có đủ bằng chứng để khuyến cáo mọi người sử dụng các loại thuốc cải thiện trí nhớ và chức năng não, đang được quảng cáo mạnh trên thị trường. Pieter Cohen, bác sĩ tại Trường Y Harvard và Liên minh Y tế Cambridge, cho biết không có cơ sở cho những bằng chứng về công dụng thần kỳ của thuốc.

Bí quyết để minh mẫn tới già chỉ đơn giản là ăn uống đúng cách, tập thể dục, duy trì hoạt động và tương tác xã hội.

Mai Dung (Theo Washington Post)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Phòng bệnh - 27/12/2024

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới