Cứu sống sản phụ tăng áp động mạch phổi, suy tim nặng
Theo thông tin từ Bệnh viện, đó là trường hợp của sản phụ B.T.T.K. (37 tuổi, ngụ tại Long An). Ở tuần thai thứ 27, sản phụ nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng khó thở, phù chân, lượng oxy trong máu giảm.
Trước đó chị K. cho biết sức khỏe hoàn toàn bình thường, chị theo dõi sức khỏe tại bệnh viện địa phương và không phát hiện bệnh tim mạch. Chị có triệu chứng khó thở, phù chân vào khoảng 2 tuần trước nhập viện. Đây là lần mang thai đầu tiên, chị và người nhà tưởng rằng các triệu chứng này thường gặp trong mang thai nên chủ quan không đi khám, đến lúc nặng hơn mới đến bệnh viện kiểm tra.
TS, BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Kết quả siêu âm tim cho thấy sản phụ bị tăng áp động mạch phổi, suy tim nặng. Nếu không được điều trị tích cực có nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong. Với tình trạng bệnh nặng, chúng tôi có thể phải chấm dứt thai kỳ để cứu sống sản phụ. Tuy nhiên, với mong muốn từ gia đình sản phụ và cả các y, bác sĩ khi thai nhi đã ở tuần thứ 27, chúng tôi đã hội chẩn liên chuyên khoa gồm Nội tim mạch, Phụ sản, Sơ sinh và Đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch để tìm ra phương án tối ưu cho cả mẹ và bé”.
Sau hội chẩn, sản phụ được chuyển đến Khoa Nội tim mạch để điều trị nội khoa tình trạng suy tim, tăng áp động mạch phổi nặng. Sản phụ được thở oxy, dùng thuốc lợi tiểu, tăng co bóp cơ tim, giãn động mạch phổi. Sau vài ngày, sản phụ được chuyển sang Đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch với đầy đủ phương tiện để theo dõi tình trạng mẹ và thai nhi.
Theo TS, BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, các liên khoa đã lên kế hoạch kéo dài thai kỳ để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của việc sinh non ảnh hưởng đến sức khỏe của bé về sau. Sản phụ tiếp tục được điều trị nội khoa, theo dõi thai kỳ và chờ mổ lấy thai. “Với phương án này, các bác sĩ cần phối hợp, theo dõi sát sao, luôn trong tinh thần có thể mổ bắt con ngay khi có phát động cấp cứu từ các bác sĩ hồi sức tim mạch”, TS, BS Trần Nhật Thăng cho hay.
Tại Đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch, sản phụ diễn tiến nặng phải nằm tại giường. Các bác sĩ tiếp tục điều trị bằng đường tĩnh mạch phối hợp nhiều thuốc đặc trị, đồng thời theo dõi tình trạng thai hằng ngày.
Với sự phối hợp liên chuyên khoa nhịp nhàng của các y, bác sĩ, sản phụ đáp ứng điều trị tốt. Sau hơn 30 ngày điều trị tích cực, đến tuần thai thứ 31, sản phụ được mổ bắt con thành công. Bé trai nặng 1,4 kg chào đời, được chuyển đến chăm sóc tại Khoa Sơ sinh.
Sau mổ lấy thai nhi, sản phụ tiếp tục được điều trị tại Đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch, các biến chứng suy tim, suy thận được kiểm soát hiệu quả. Chị K. được chuyển về Khoa Nội tim mạch theo dõi thêm 1 tuần và xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Em bé được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh thêm 3 tuần trước khi xuất viện. Đến nay, chị K. và em bé đều khỏe mạnh.
TS, BS Trần Nhật Thăng khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần được kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai và những tháng đầu thai kỳ. Trường hợp phát hiện có các bệnh nền, sản phụ cần được lên kế hoạch phối hợp liên chuyên khoa ngay từ đầu và xuyên suốt thai kỳ để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé. Ngay khi có các dấu hiệu bất thường, sản phụ nên được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý, tránh diễn tiến nặng như trường hợp chị K.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh