Đề phòng ngộ độc khi đốt than sưởi ấm
Nhiệt độ giảm đột ngột, nhiều gia đình mua máy sưởi hoặc dùng điều hòa hai chiều để giữ ấm. Song, không phải ai cũng có điều kiện trang bị, nhất là người ở vùng núi cao, kinh tế chưa phát triển. Đốt than sưởi là cách giúp họ chống chọi thời tiết. Năm nào cũng có những ca tử vong hoặc ngộ độc khí do đốt than sưởi trong phòng kín.
Mới đây hai mẹ con ở Hà Tĩnh được phát hiện bất tỉnh trong phòng ngủ đóng kín cửa, rộng 9 m2, bên cạnh có nồi than lớn. Cả hai nhập viện trong tình trạng hôn mê, đau đầu, chóng mặt và khó thở sau khi đốt than củi để sưởi ấm.
Bác sĩ Lê Hoàn, phó khoa Nội tiết Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đốt than tổ ong, than củi sưởi ấm trong điều kiện thiếu khí sẽ khí CO2 và CO, là hai khí không cần thiết đối với cơ thể. Trong đó, CO là loại khí cực độc, không màu, không mùi nên nhiều người không biết, dần cảm thấy khó thở rồi ngất hoặc lịm đi ngay khi đang ngủ. Nạn nhân hít phải khí CO thường sẽ bị tổn thương não và tim, nhẹ thì mắc các bệnh hô hấp như hen, viêm phế quản, viêm phổi, nặng hơn có thể tử vong.
Theo bác sĩ, khả năng kết hợp của khí CO với hemoglobin - một thành phần của hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào rất lớn, khoảng 200 lần. CO sẽ tranh chấp hết các hemoglobin, khiến cơ thể không còn hemoglobin để vận chuyển oxy dẫn đến thiếu hụt oxy để thở. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện.
Bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước rồi đưa nạn nhân thoát khỏi vùng có khí CO để tiếp xúc với oxy. Lưu ý mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm rồi nhanh chóng đi ra khỏi nơi nguy hiểm. Khoảng vài phút sau, nạn nhân đã có thể tỉnh táo bình thường. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
"Trường hợp nạn nhân nằm ngủ, mê man không thể kêu cứu dẫn đến khả năng cứu sống thấp, khi phát hiện được thì đã tử vong trong phòng", bác sĩ nhấn mạnh.
Sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn ở người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn hoặc bỏng nặng. Do đó, mọi người nên hạn chế đốt than sưởi, nhất là gia đình có phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ.
Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió. Không đốt qua đêm. Trang bị đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng. Duy trì nhiệt độ phòng 25-28 độ C, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Không nên để nhiệt độ phòng quá ấm có thể gây bỏng cho trẻ sơ sinh hoặc sốc nhiệt khi ra ngoài trời lạnh, làm tăng nguy cơ tê buốt, máu khó lưu thông, thậm chí gây hạ thân nhiệt, đột quỵ.
Thùy An
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh