Ghép tế bào gốc - Hy vọng cho người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, giờ đây, bệnh nhân đã có thể hy vọng với kỹ thuật ghép tế bào gốc.
Thoát khỏi cơn khó thở liên miên
Quay trở lại viện tái khám, ông T.X.T (69 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, sau 1 năm được ghép tế bào gốc, đến nay sức khỏe của ông cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khả năng gắng sức.
“Tôi đã đi bộ được quãng đường dài hơn, leo được cầu thang với tầng cao hơn mà không thấy khó thở. Khi xuất hiện các cơn khó thở, tôi đã tự kiểm soát được theo hướng dẫn của bác sĩ mà không phải vào viện để điều trị”, ông T. nói và chia sẻ thêm, trước đó, những việc đơn giản như đi thể dục, leo cầu thang… đối với ông là điều không tưởng.
Theo BS. Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, ông T. có tình trạng bệnh COPD ở mức khó thở nặng, năm nào cũng nằm viện liên miên để điều trị các đợt khó thở cấp.
Bên cạnh đó, chức năng hô hấp của bệnh nhân (đo chỉ số FEV1) dưới 50%, tức là thông khí tắc nghẽn ở mức độ nặng, vì thế nên được chỉ định ghép tế bào gốc.
Chia sẻ về phương pháp ghép tế bào gốc điều trị cho các bệnh nhân mắc COPD, PGS. TS. Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết: Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, có khả năng biệt hóa để trở thành các tế bào khác với các chức năng riêng biệt mới.
Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell) thu nhận từ tủy xương, mô mỡ… không chỉ có khả năng làm mới mà còn có khả năng biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác nhau như: Xương, mỡ, sụn, cơ, gan, thận, tim mạch, thần kinh, tế bào khí quản…
Hiện nay tế bào gốc trưởng thành đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị trong rất nhiều bệnh lý, làm chậm tiến triển của bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
“Tủy xương, mô mỡ là nguồn cung cấp số lượng tế bào gốc trưởng thành nhiều nhất trong cơ thể. Việc dùng tế bào gốc trưởng thành tự thân giúp tránh được nguy cơ liên quan đến thải ghép”, BS. Hạnh thông tin.
Đến nay, tại BV Bạch Mai đã có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này và kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt.
“Sát thủ” chỉ đứng sau tim mạch và ung thư
Theo BS. Hạnh, bệnh COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Điều đáng nói, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời.
Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc COPD. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Việc phát hiện sớm còn hạn chế, khi có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.
Những yếu tố nguy cơ gây COPD có thể kể đến như hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài (80 - 90% nguyên nhân gây bệnh); ô nhiễm môi trường ngoài trời; ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hóa chất hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản...
Người mắc COPD thường có triệu chứng ho khạc đờm. Ban đầu đờm ít và loãng, sau nhiều, đặc hơn, giai đoạn cuối có thể đổi màu và có mủ. Thêm vào đó, người bệnh cũng thấy khó thở, người mệt mỏi.
Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như viêm họng mạn, viêm phổi... nên nhiều người bệnh chủ quan và không đi khám. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí dẫn tới tử vong.
Theo các chuyên gia, COPD là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp để điều trị, ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, do là bệnh phải điều trị kéo dài suốt đời nên bệnh nhân hay bỏ cuộc, không tuân thủ liệu trình điều trị dự phòng khiến bệnh trở nên nặng nề với nhiều biến chứng phức tạp.
“Việc điều trị bằng ghép tế bào gốc thường chỉ định với các bệnh nhân được đánh giá ở mức độ rất nặng, trong độ tuổi từ 40 - 80, có ít nhất 2 đợt cấp cứu hoặc ít nhất 1 đợt cấp cứu phải nhập viện trong 1 năm trước đó…”, BS. Thủy cho hay.
Thanh Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh