Hà Nội kiến nghị cấp đủ thuốc điều trị F0

Theo Nhân Dân 10:17 07/01/2022 - Phòng bệnh
Ngày 6/1, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hằng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn.
Khu vực lấy mẫu test nhanh cho người nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: YẾN THƯ
Khu vực lấy mẫu test nhanh cho người nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: YẾN THƯ

 

Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải thực hiện tốt chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang quản lý rủi ro; xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới để vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Các cấp, ngành phối hợp rà soát để mua sắm vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm tạo điều kiện cho y tế cơ sở tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân; nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở và tại nhà. Ngành y tế phối hợp các địa phương tiếp tục huy động cán bộ y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, sinh viên ngành y tế tham gia phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0 nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.

Ngày 6/1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 16.417 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.555 ca trong cộng đồng. Trong ngày 6/1 cũng đã có 28.369 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 170 ca tử vong. Trong khi số lượng ca mắc mới giảm tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... thì lại tiếp tục tăng ở Hải Phòng, Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa... Hà Nội tiếp tục là địa phương có số người mắc trong ngày nhiều nhất, với 2.716 trường hợp. Đáng chú ý, ngày 6/1, Sở Y tế Vĩnh Long đăng ký bổ sung 9.370 trường hợp trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 4/1, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và đã phân bổ về các địa phương 176,8 triệu liều, còn khoảng 29,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng. Cập nhật đến chiều 6/1, các địa phương, đơn vị cũng đã tiêm gần 157 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 17 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về phân luồng tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 (F0). Theo đó, nguyên tắc của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tuỳ theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm năm bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện trung ương, bộ, ngành (riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa). F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc thành phố). F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc-xin, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.

Tối 6/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thành phố ghi nhận thêm năm trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca Omicron được phát hiện tại thành phố lên 11 ca. Theo HCDC, năm trường hợp mới này đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021, đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gien và có kết quả là nhiễm biến chủng Omicron.

 
 
 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Phòng bệnh - 27/12/2024

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới