Hà Nội nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết
Nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng từ 26-32OC là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động; chỉ số côn trùng sau xử lý các ổ dịch vẫn cao vượt ngưỡng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến cuối tháng 8/2023, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 6.600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1.303 ca so với cùng kỳ năm 2022, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Số người mắc sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; 500 trong tổng số 579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là: Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông...
Tổng số ổ dịch được phát hiện là 407, hiện còn 153 ổ dịch đang còn lưu hành tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: xã Phùng Xá, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); xã Văn Tự (huyện Thường Tín)… Kết quả giám sát tuýp vi-rút Dengue lưu hành năm 2023 cũng cho thấy, chủ yếu là tuýp vi-rút Den1 và Den2.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên, Nguyễn Minh Quốc cho biết: Năm 2023, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đến sớm hơn và số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 23/8, đã ghi nhận 78 ca mắc sốt xuất huyết, tại tất cả 14 phường trên địa bàn quận; số ca mắc tăng hơn 30 trường hợp so với cùng kỳ 5 năm trước. Số ca mắc tăng nhanh trong vòng hai tuần gần đây.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế quận Long Biên đang phối hợp chính quyền các địa phương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy từ giữa tháng 4 đến nay.
Kết quả, số lượt hộ gia đình được kiểm tra thực hiện vệ sinh môi trường là 192.518/196.712 hộ (đạt 97,8%) tại hơn 1.600 khu vực trọng điểm, nguy cơ cao; huy động được hơn 11.700 lượt người tham gia trong các đợt triển khai chiến dịch.
Trung tâm Y tế quận Long Biên cũng tăng cường giám sát ca bệnh hai lần/tuần tại cộng đồng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai giám sát dịch tễ để đánh giá các chỉ số nguy cơ về bọ gậy, muỗi truyền bệnh một lần/tuần.
Đặc biệt, tất cả các ca bệnh, ổ dịch đã được điều tra dịch tễ, khoanh vùng, xử lý kịp thời; tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết cho đội ngũ y, bác sĩ tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế các phường.
Trung tâm Y tế huyện cũng duy trì năm đội đáp ứng nhanh để kịp thời điều tra, giám sát, xử lý dịch khi có yêu cầu; tại tất cả các phường đã kiện toàn các đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát, với hơn 1.100 đội xung kích và 149 tổ giám sát được đào tạo, tập huấn về chuyên môn...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh; công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy không được duy trì thường xuyên, triệt để tại các hộ gia đình, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đáng lo ngại, vẫn còn trường hợp khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết tự ý điều trị tại nhà, không đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Khổng Minh Tuấn cho biết: Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Trong khi đó, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa phương nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng rất lớn.
Để chủ động hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các đơn vị y tế trên toàn thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng, các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.
Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, giám sát phòng chống sốt xuất huyết cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.
Đối với các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu ủy ban nhân dân chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp ngành y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch tại địa phương; tập trung giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, hướng dẫn vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường; đối với những trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà, phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế ngày 30/8 cho biết, từ đầu năm đến ngày 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực phía nam.
Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) và tăng cao nhất trong ba tuần gần đây, khu vực miền bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.
So với cùng kỳ năm trước, số mắc và tử vong đều giảm. Tuy nhiên nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, có thể số mắc sẽ tiếp tục tăng cao do đang vào cao điểm mùa mưa.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh