Hà Nội tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, lưu ý dấu hiệu biến chứng
Dấu hiệu báo trẻ tay chân miệng bị biến chứng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Hà Nội ghi nhận thêm 265 ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023, tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.
CDC Hà Nội cũng ghi nhận ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai nhóm tác nhân gây bệnh này, thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường có biểu hiện nhẹ, có thể chăm sóc điều trị tại nhà thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy tuần hoàn, suy hô hấp và có thể gây tử vong ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
Với những ca biến chứng nhập viện, trẻ thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…
BS Lâm cho biết, với trẻ mắc tay chân miệng có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, cha mẹ cần sát sao để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng để kịp đưa trẻ tới viện.
Theo chuyên gia Truyền nhiễm này, cha mẹ cần cho trẻ tới viện khi trẻ có biểu hiện: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; trẻ mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ, giật mình nhiều (từ 2 lần trở lên trong 30 phút), vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân. Hoặc khi trẻ thở nhanh, thở bất thường như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè; trẻ run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
"Bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn cách chăm sóc và điều trị kịp thời nếu trẻ có triệu chứng nặng. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc để chữa cho trẻ, tránh để trẻ bệnh nặng thêm", BS Lâm khuyến cáo.
Làm gì để tránh lây tay chân miệng trong trường học
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Do đây là thời gian trẻ tập trung học tại trường, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng rất cao nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng đến trẻ trong môi trường học đường, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh; Bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ, cần thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, rửa sạch bàn tay người giữ trẻ xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bộ Y tế nhấn mạnh, nhà trường cần theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến nhà trẻ, trường học trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh