Hệ lụy hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ nếu chần chừ tiêm vaccine Covid-19
Hơn 48% trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine
“Nhiều gia đình khi nhận được giấy mời đi tiêm có viết phản hồi đã nhiễm Covid-19, không cần đi tiêm nữa và xin cán bộ y tế đừng gọi đi tiêm. Đây là một thực tế rất đáng buồn khi mọi người chưa hiểu hết về tầm quan trọng của vaccine, đặc biệt đối với trẻ em”, PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bày tỏ.
Tính đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn.
Phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều gia đình có con nhỏ đã nhiễm Covid-19 từ chối tiêm vaccine vì sự những tác dụng phụ có thể xảy ra với con em mình.
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn.
Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy: số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước.
"Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…”, TS Dương cho hay.
Hệ lụy hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ
Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.
Bên cạnh nhiều nghiên cứu trên y văn thế giới thì gần đây, Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600 nghìn trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine Covid-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%.
“Như vậy, nếu ước tính ở TP Hồ Chí Minh có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất cả được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì số mắc Covid-19 bị MIS-C chỉ là 1 đến 2 trường hợp so với con số là 40 trường hợp nếu tất cả số trẻ này không được tiêm vaccine”, TS Dương nói.
Nói về Hội chứng MIS-C, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó số chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, con số trẻ bị mắc hội chứng MIS-C là khoảng 283 ca trên tổng số 756 ca tới khám hậu Covid-19.
PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, bệnh viện tiếp nhận khoảng 9.870 bệnh nhi mắc Covid-19, trong đó có 1.028 bệnh nhi đều trị nội trú tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, chủ yếu là ca nặng, nguy kịch.
Tháng 4, bệnh viện thành lập phòng khám Hậu Covid-19 với tổng số điều trị là 756 lượt bệnh nhi. Trong số các ca mắc Covid-19 phải nhập viện, hầu hết được cứu chữa thành công. Tỷ lệ tử vong rất thấp với 30 ca (tỷ lệ 0,029%), chủ yếu trên nền bệnh nhi mắc bệnh nền ung thư, teo mật bẩm sinh, suy gan cấp, viêm não.
Trong số các ca điều trị hậu Covid-19, đã xác định có 283 mắc MIS-C. Trong đó, chủ yếu là xảy ra ở nhóm tuổi 5-12 với 63,3%. Thời điểm này chưa có vaccine để tiêm phòng cho lứa tuổi này. Có khoảng 62,4% các trường hợp này cần điều trị hồi sức như thở ô-xy, thở máy.
Trong số các ca mắc MIS-C, triệu chứng hay gặp là 100% bệnh nhân sốt cao, 70% đỏ ban ngoài da, 80% đỏ mắt, 60% nhập ICU, 50% có hạ huyết áp - bệnh lý nguy kịch có thể tử vong cao.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện bệnh học hậu Covid-19 cần theo dõi nghiên cứu tiếp vì đây là vấn đề thế giới và Việt Nam vẫn đang tìm hiểu để đưa ra khuyến cáo và giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.
Ý nghĩa của tiêm vaccine với trẻ nhỏ
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan.
“Tiêm vaccine Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bà Hồng nói.
Theo GS, TS Phan Trọng Lân, Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến thể phụ của Omicron là BA.5. Nếu tiếp tục có đột biến mất đoạn, biến thể có nguy cơ cao kháng vaccine, lây lan nhanh, gây ra tình trạng trở nặng cho người nhiễm thì khi đó các biện pháp phòng, chống không đơn thuần là tiêm vaccine mà phải có biện pháp tổng thể vừa hành chính xã hội, vừa có các biện pháp y tế.
Tại các địa phương, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer.
Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi. Vì thế đừng chần chừ đưa con em đi tiêm chủng. Nếu trẻ đã nhiễm Covid-19 thì sau 3 tháng nên đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng.
Một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Theo đó, vaccine có hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh