Cụ thể, trong số 9.463 F0 đang điều trị có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà.
Các quận, huyện tiếp nhận nhiều F0 điều trị tại trạm y tế lưu động là Chương Mỹ với 330 ca, Hoàng Mai 279 ca, Bắc Từ Liêm 189 ca, Thanh Xuân 170 ca, Hà Đông 147 ca, Hoài Đức 138 ca…
Tính riêng từ ngày 11/10 đến 13/12, thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện, thành phố có 17 điểm đang phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.
Trước số ca mắc đang tăng nhanh trong những ngày gần đây, thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện, với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Sở Y tế đã giao cho chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá các hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể tổ chức theo dõi F0 điều trị tại nhà. Đến nay, đã khảo sát được 2,1 triệu hộ gia đình, trong đó có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
“Việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà”, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.