Liên tiếp cấp cứu các ca tai nạn thương tích nghiêm trọng ở trẻ
Trường hợp điển hình là bệnh nhi N.M.T (7 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ), được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm Sản Nhi chiều ngày 18/4 với chẩn đoán đụng dập gan phải.
Được biết, vào buổi sáng ngày 18/4, trong lúc chơi đùa ở nhà, cháu T. hiếu động trèo lên và đu vào thành ghế đá, không may bị ghế đá lật đổ chèn lên phần bụng. Sau đó, trẻ thấy đau tức ngực, đau vùng dưới xương ức và vùng thượng vị nên được gia đình đưa đến khám, theo dõi tại Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn.
Đến chiều cùng ngày, bụng bệnh nhi chướng to, cảm giác đau bụng tăng lên. Hình ảnh siêu âm cho thấy gan bị đụng dập 2 ổ, kèm theo nhiều dịch tự do trong ổ bụng. Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển tuyến lên Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để cấp cứu.
Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại Khoa Ngoại nhi Tổng hợp của Trung tâm.
Trường hợp thứ 2 cũng nhập viện trong ngày 18/4, là bệnh nhi Đ.T.H. (12 tuổi, trú tại Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ) bị tai nạn điện giật nặng.
Thông tin từ phía gia đình cho biết, buổi chiều cùng ngày, trẻ có đi câu cá ở khu vực Đền Hùng. Trong lúc giật cần câu, cán cần bằng kim loại chạm vào đường điện hở khiến trẻ bị điện giật.
Khi được đưa đến viện, trẻ tỉnh, có thể tự thở, da và niêm mạc hồng, tim, phổi bình thường, tuy nhiên toàn bộ bàn tay phải, chân trái và vùng ngực bên phải của bệnh nhi bị tổn thương điện giật khá nghiêm trọng. Bệnh nhi sau đó đã được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
ThS.BS Nguyễn Đức Long – Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, ngoài 2 trường hợp trên, còn rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt được Trung tâm ghi nhận những ngày gần đây.
Bác sĩ Long nhấn mạnh, thời điểm trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19 có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng tai nạn sinh hoạt ở trẻ gia tăng nhanh chóng.
Một số thống kê cho thấy, ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi, trẻ thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,... Trong độ tuổi từ 6-10 tuổi, trẻ lại thường bị tai nạn do tiếp xúc môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông.
Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, ThS.BS. Nguyễn Đức Long khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp các con được nghỉ học ở nhà.
Theo đó, tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã.
Đồng thời, các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; …
Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?