Mua và tiêm vaccine cho 75 triệu dân: Vì sức khỏe cộng đồng và bản thân

Theo Nhân Dân 09:54 09/08/2021 - Phòng bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch. Để mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vaccine với nguồn kinh phí là 25,2 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Theo số liệu cập nhật từ Kho bạc Nhà nước, tính chung đến 17 giờ ngày 8/8, số dư Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 (Quỹ) là 8.458 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) từ hơn 344 nghìn tổ chức, cá nhân đã đóng góp, ủng hộ cho Quỹ bằng nhiều hình thức, như tin nhắn, chuyển khoản, tiền mặt… Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ, tiêu biểu là chỉ 3 ngày sau khi ra mắt (ngày 5/6), số tiền từ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đóng góp, ủng hộ cho Quỹ đã lên đến hơn 2.360 tỷ đồng…

Ngoài ra, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam trên cả nước và tại nhiều địa bàn trên thế giới, như Mỹ, Ai Cập, Mozambique, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Lào, Đức, LB Nga, Thụy Sĩ…

Việc số tiền của Quỹ tăng lên liên tục thể hiện được sức mạnh đại đoàn kết của những người dân Việt Nam. Số tiền được cập nhật thường xuyên thể hiện tính công khai, minh bạch là niềm tin để mọi người tiếp tục chung tay đóng góp.

Nhờ có Quỹ, nguồn lực tài chính quốc gia cho cuộc chiến với dịch Covid-19 đang và sẽ được cải thiện đáng kể, đẩy nhanh hơn tiến trình triển khai chiến lược tiêm vaccine trên toàn quốc từ nay đến cuối năm 2021, với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.

Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1022/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, theo Quyết định, Chính phủ cấp bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế; trong đó, 5.100,517 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH ngày 18/5/2021 và 2.550,259 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó có mục tiêu đáp ứng kiến nghị khẩn cấp của 4 hiệp hội gồm: Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) với Chính phủ về  đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu; tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn thế giới và mỗi quốc gia, cũng như của từng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Muốn lao động sản xuất, cuộc sống trở lại bình thường thì phải đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh chóng. Phòng sẽ tiết kiệm hơn là chữa bệnh. Việc phòng dịch Covid-19 không phải là vấn đề của riêng Chính phủ hay một tổ chức nào đó, mà đây là vấn đề của toàn dân và các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, Chính phủ quyết định ưu tiên cho những người đang đi làm để bảo vệ và duy trì hoạt  động sản xuất. Hiện công nhân tại các khu công nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố “nóng” về Covid-19. Nguồn tiền tiêm vaccine được lấy cả từ Ngân sách nhà nước và từ Quỹ; Chính phủ cũng hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự mua thuốc và tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định…

Đây là chính sách không đơn thuần là giải pháp y tế nhằm tạo thuận lợi cho ngành sản xuất, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng như những người mua hàng hóa sản xuất từ Việt Nam, mà còn cho thấy sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với việc ổn định sản xuất và bảo đảm đời sống cho người lao động.

Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 để huy động sự đóng góp của tất cả người dân và doanh nghiệp là một sáng kiến rất hay và cần thiết, thể hiện truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp và sức mạnh toàn dân tộc, mang ý nghĩa cao cả và rất nhân văn, với mục đích giúp toàn bộ người dân được tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống cho người dân để tiếp tục phát triển đất nước...

MINH PHONG

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Phòng bệnh - 24/10/2024

Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Phòng bệnh - 22/10/2024

Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Phòng bệnh - 11/10/2024

Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Phòng bệnh - 08/10/2024

Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?

Cách nào phòng bệnh gút?

Cách nào phòng bệnh gút?

Phòng bệnh - 08/10/2024

Cách nào phòng bệnh gút?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới